(QBĐT) – Chiều nay, 29/2, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh do đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
|
Tham dự có đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2003-2023. Theo đó, 21 năm qua, chi nhánh đã tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới sâu rộng, mang tính xã hội hóa cao với trên 7.000 người tham gia. Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đến nay, 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khắp địa bàn tỉnh, trực thuộc sự quản lý của 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác các cấp.
|
Chi nhánh đã mở 151/151 điểm giao dịch cấp xã với phương thức “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, tạo thuận lợi cho người dân. Tổng nguồn vốn tín dụng đến ngày 31/12/2023 đạt 5.243 tỷ đồng, tăng 5.009 tỷ đồng, gấp 22,5 lần so với khi mới thành lập.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao từ khi mới thành lập năm 2003 (hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ 233 tỷ đồng, sau 21 năm, NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã giải ngân cho vay 28 chương trình tín dụng CSXH với tổng doanh số cho vay đạt 15.313 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 10.147 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 31/12/2023 xếp thứ 15/63 tỉnh, thành. Hiện có 86.334 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ (chiếm trên 33% số hộ trong toàn tỉnh), dư nợ bình quân trên 60 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội là 5.235 tỷ đồng, chiếm 99,9% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách.
|
Đặc biệt trong năm 2022-2023, ngân hàng thực hiện cho vay 3.443 tỷ đồng với 63.362 lượt hộ vay vốn, tổng dư nợ tăng 1.550 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ. Trong đó, riêng 2 năm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, doanh số cho vay đạt 1.057 tỷ đồng với 9.921 khách hàng vay vốn; tổng dự nợ đạt 1.055 tỷ đồng (trong tổng số 38.400 tỷ đồng toàn quốc), hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng.
Cùng với triển khai 5 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11, ngân hàng đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với chương trình tín dụng có lãi suất vay vốn trên 6%/năm cho 46.064 món vay, số tiền giản ngân trên 2.200 tỷ đồng với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 43,2 tỷ đồng.
|
Quá trình hoạt động, đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng được bảo đảm. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình là 4,8 tỷ đồng, chiếm 0,09% tổng dư nợ. Công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng, tuyên truyền… được chú trọng. Sau 21 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách, lao động, học sinh, sinh viên… vượt qua khó khăn, từng bước xóa đói, giảm nghèo, duy trì hoạt động, việc làm và học tập. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần tích cực trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh, huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội, tác động tích cực đến đời sống, sản xuất hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
|
Tại buổi làm việc, các ý kiến đã khẳng định tính hiệu quả rõ rệt của nguồn vốn tín dụng CSXH. Đại diện NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình và các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc và có các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả nguồn vốn CSXH trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật và nỗ lực của NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, các tổ chức, đơn vị liên quan trong hơn 20 năm qua. Đồng chí khẳng định, nguồn vốn tín dụng CSXH đã tạo động lực quan trọng cho phát triển, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, “phủ sóng” đến nhiều đối tượng, tạo sự ổn định, đồng thuận cao trong xã hội.
Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH của Chính phủ giao và các chương trình tín dụng ủy thác của địa phương, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng chí đề nghị thời gian tới, NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH phù hợp với tình hình mới.
Đối với các đề xuất, kiến nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu ghi nhận và có các ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với NHCSXH cũng như các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để tháo gỡ trong thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực và hiệu quả của tín dụng CSXH trong công cuộc giảm nghèo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
* Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
|
|
|
|
|
|
Ngọc Mai