(QBĐT) – Nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người dân nghèo, cận nghèo có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Trước năm 2015, gia đình bà Nguyễn Thị Soa (SN 1968) ở thôn 5 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa là một trong những hộ nghèo. Nhưng sau nhiều lần vay vốn của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) HND xã, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đến nay gia đình bà Soa đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá ổn định trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Soa nhớ lại, thời điểm đó, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Con cái còn nhỏ, vợ chồng cũng chẳng có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Kế mưu sinh chỉ dựa vào mấy sào ruộng, đất làm nông nghiệp. Gia đình bà có hơn 1ha đất rừng trồng nhưng cũng không có đủ tiền đầu tư trồng rừng. Khi biết được, PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa thông qua tổ TK-VV cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, vợ chồng bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng. Một phần trong số đó để trồng rừng, một phần để phát triển chăn nuôi. Cần cù bù siêng năng, đến năm 2021 gia đình bà cũng đã thoát nghèo. Khi công việc và thu nhập ổn định, năm 2023, bà tiếp tục vay 100 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh.
“Trước đây, ở xã Thanh Hóa ai cũng vất vả, để vay mượn được vài triệu đồng đã khó, huống gì vay mấy chục triệu đồng để làm ăn. Nếu vợ chồng không chung sức, đồng lòng vay vốn và không mạnh dạn trong làm ăn, thì khó có thể thoát nghèo”, bà Soa chia sẻ. Giờ đây, gia đình bà Nguyễn Thị Soa là một trong những hộ có thu nhập và kinh tế ổn định ở xã.
|
Phó Chủ tịch HND xã Thanh Hóa Nguyễn Thị Lệ Hằng cho biết, nguồn vốn vay của PGD NHCSXH huyện thông qua các tổ TK-VV đã trở thành động lực, nền tảng quan trọng để nhiều hội viên, nông dân (HV, ND) nghèo trên địa bàn xã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. HND xã hiện quản lý 13 tổ TK-VV, với 580 tổ viên.
Nếu như năm 2022, tổng dư nợ vay vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của các tổ TK-VV hơn 37,3 tỷ đồng, với 557 tổ viên, thì đến năm 2023 tổng dư nợ đã lên hơn 45,5 tỷ đồng, với 580 tổ viên vay vốn. Khi ND làm ăn kinh tế và có thu nhập ổn định, nguồn tiền tiết kiệm cũng theo đó tăng lên. Năm 2022, các tổ TK-VV quản lý 1,2 tỷ đồng tiết kiệm, thì năm 2023 đã tăng lên gần 1,5 tỷ đồng. Điều đặc biệt, nhiều năm nay, các tổ TK-VV của HND xã Thanh Hóa không có trường hợp nào nợ quá hạn.
Hiện nay, HND huyện Tuyên Hóa quản lý 134 tổ TK-VV, thực hiện ủy thác của PGD NHCSXH huyện. Tổng dư nợ đến cuối năm 2023 là 368 tỷ đồng, với gần 5.000 hộ vay, tăng 54,4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 17,35%) so với năm 2022. Điều đáng nói, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06%.
Chủ tịch HND huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan cho biết, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, HND huyện đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ TK-VV, đôn đốc các hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ TK-VV bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn HV vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời. Cùng với đó, HND các cấp đã phối hợp với các đơn vị tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Trong năm, đã tổ chức được 65 lớp/2.708 lượt HV, ND tham dự, qua đó đã giúp HV, ND nắm bắt nhiều kiến thức và áp dụng hiệu quả vào trồng trọt, chăn nuôi. Điều đáng ghi nhận là từ nguồn vốn vay này đã tạo điều kiện và động lực khích lệ HV, ND mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhất là phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở các làng quê ngày càng sôi nổi.
Từ thực tiễn cũng như kết quả đạt được, thời gian tới Ban Thường vụ HND huyện tiếp tục phối hợp với PGD NHCSXH huyện chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến HV, ND, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình hoạt động của các tổ TK-VV, bảo đảm nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Cùng với đó, HND huyện sẽ phối hợp với các đơn vị dạy nghề mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho HV, ND, các thành viên vay vốn, để ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
C.H