|
Tết Nguyên tiêu cũng gọi là Nguyên tịch, Nguyên dạ, còn gọi là Tết Thượng nguyên. Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức rằm tháng giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân.
Theo học giả Đào Duy Anh, nguyên nghĩa chữ “tiết” ở trong nghĩa của thời tiết, các tiết trong năm, về sau người ta gọi chệch đi là tết, nên tiết Nguyên tiêu thành Tết Nguyên tiêu là vậy. Do Tết Nguyên tiêu được người xưa tổ chức vào ngày rằm tháng giêng, lại có vật phẩm dâng cúng Trời – Phật – Thánh một cách thành kính nên cũng gọi lễ cúng rằm tháng giêng. Đây cũng là cái Tết đầu xuân sau Nguyên đán nên lại gọi Tết Thượng nguyên (vì dựa vào phép lịch cũ quy định thì một năm được chia làm 3 nguyên: Ngày rằm tháng giêng là Thượng nguyên, rằm tháng bảy là Trung nguyên, rằm tháng mười là Hạ nguyên), một lễ tết truyền thống vốn có từ lâu đời.
Theo các kinh sách Phật giáo, ngày mồng một và ngày rằm là ngày của Phật hay của Bụt. Ngày rằm tháng giêng là ngày duyên lành phổ độ, ngày Đức Phật giáng lâm xuống các chùa chiền để chứng độ lòng thành của tín chúng đạo hữu. Cho nên, các ngôi chùa vào rằm tháng giêng đèn hoa cờ phướn kết dày lộng lẫy, người người đi lễ Phật rất đông, để cầu xin Đức Phật phù hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an.
Bởi vậy cho nên dân gian mới có câu:
“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”
hoặc: “Ăn chay quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.
Tết Nguyên tiêu – đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian.
Tết Nguyên tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên tiêu là dịp để triệu tập các trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn thượng uyển. Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là Tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành. Nước ta vào thời Lý – Trần, triều đình có tổ chức Tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.
Xưa kia, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.
Đối với bình dân, vào dịp Tết Nguyên tiêu nhiều nơi thường mở hội làng, bằng nhiều loại hình dân gian, tổ chức lễ thắp đèn hoa, đua thuyền bơi trải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…
Từ xưa, đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… làm nhiều bài thơ hay về Nguyên tiêu. Ở thời cận đại, xuân Mậu Tý, năm 1948, tại núi rừng chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Hồ Chí Minh, mặc dù rất bận việc quân, việc nước, nhưng trước xuân trăng dạt dào thi hứng, dẫn mạch như sóng trào, Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch là:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Đây là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam viết về trăng xuân. Từ cảm xúc sâu sắc qua bài thơ Nguyên tiêu của nhà thơ Hồ Chí Minh đã khơi dậy những cảm xúc thi ca giàu triết lý nhân văn của một đất nước ngàn năm văn hiến “lắm anh hùng, nhiều nghệ sĩ”. Và từ năm 2003, rằm tháng giêng còn là Ngày Thơ Việt Nam.
Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt, đặc biệt là Phật tử, thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. So với rằm tháng tư (Phật đản) và rằm tháng bảy (Vu Lan) thì rằm tháng giêng không quan trọng bằng. Tuy nhiên, về phương diện tự lợi trong cuộc sống mưu sinh thì rất quan trọng. Vì rằm tháng giêng đã trở thành ngày hội cầu an cho bản thân của mỗi người phật tử.
Trọng tâm của hội rằm tháng giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Theo (TTXVN)