(QBĐT) – Hơn nửa năm qua, gánh nặng của rất nhiều bệnh nhân ung thư ở Quảng Bình đã được chia sẻ khi họ được điều trị ngay tại quê nhà thay vì phải khăn gói đi xa. PGS.TS. Nguyễn Đại Bình (SN 1957), nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K, giảng viên chính bộ môn ung thư, Trường đại học Y Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật ung thư cùng các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) đã tạo nên nhiều kỳ tích trong “cuộc chiến” chống ung thư, giành lại niềm hy vọng cho bao gia đình!
Cần mẫn khơi nguồn, tận tình dẫn dắt
Tháng 8/2023, những ngày đầu tiên trở về quê và làm việc tại Bệnh viện HNVN-CBĐH, PGS.TS. Nguyễn Đại Bình không ngừng trăn trở với câu hỏi: Tại sao bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư không “mặn mà” với bệnh viện mà chấp nhận vượt tuyến điều trị dù rất vất vả, chi phí lớn. Với quyết tâm tìm bằng được nguyên nhân để hóa giải, thu hút bệnh nhân về bệnh viện quê nhà cứu chữa, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. Sau nửa năm gắn bó, ông đã trả lời được câu hỏi lớn đó.
|
Một trong những yếu tố quan trọng trong “cuộc chiến” này là phát hiện sớm và khám ung bướu. Hiện nay, Bệnh viện HNVN-CBĐH đã đổi thay tích cực, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tốt. Những khoa điều trị bệnh nhân ung bướu đã tự tin hơn, đặc biệt việc phẫu thuật rất tiến triển. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị tại đây đã rất tin tưởng và chia sẻ thông tin với mọi người, thu hút thêm nhiều bệnh nhân, đây là sự thay đổi cơ bản nhất.
Đánh giá về vai trò hỗ trợ điều trị ung thư của các khoa, PGS.TS. Nguyễn Đại Bình cho biết, được xem như “phòng khách”, Khoa Khám bệnh đã làm rất tốt việc khám, chẩn đoán các bệnh lý liên quan ung bướu, định hướng điều trị, mời gọi hội chẩn… Năng lực, sự tận tâm, trách nhiệm với người bệnh đã tạo ấn tượng tốt và niềm tin cho nhân dân.
Khoa Ngoại tổng hợp, một trong những khoa rất quan trọng đã thu dung, cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư và “chuyển bại thành thắng”. Khoa đã phẫu thuật đầy đủ các nhóm bệnh ung bướu, như: Thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, khối u vùng bụng… Trước đây, các bác sĩ thường do dự khi điều trị những nhóm bệnh này, nhưng hiện nay, tất cả các phẫu thuật đỉnh cao đều được thực hiện tốt tại bệnh viện, đây là thành quả rất lớn. Nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời, hơn nửa năm qua, tất cả các ca phẫu thuật do PGS.TS. Nguyễn Đại Bình mổ đều thành công.
“Với tôi, đây là điều ấm áp nhất. Trước mỗi ca bệnh, tôi luôn tìm các giải pháp an toàn để che chắn, phòng vệ cho bệnh nhân, chặn đứng tử vong. Nhiều khó khăn đã được hóa giải khi chúng tôi có sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, của nhân dân, có kiến thức, kinh nghiệm, đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại và có sự tin tưởng của người bệnh. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình rằng, chúng ta không sợ hãi vì đã có tinh thần phòng vệ. Và dù nguy hiểm, dù khó khăn, thì cũng sẽ nỗ lực gánh vác, đồng hành cùng bệnh nhân!”, ông chia sẻ.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-HĐND, ngày 2/10/2023 về đầu tư xây dựng Khoa Ung bướu-Xạ trị, Bệnh viện HNVN-CBĐH với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Đây là tin vui lớn của tỉnh, đặc biệt là đối với y bác sĩ và bệnh nhân ung bướu, nhất là khi Bệnh viện HNVN-CBĐH đang sở hữu đội ngũ bác sĩ giàu năng lực, tâm huyết, luôn nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, cống hiến tài năng, trí tuệ cho bệnh nhân, cho cuộc sống! |
Các khoa: Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Phụ khoa… cùng các khoa cận lâm sàng, đặc biệt là Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức là những “đối tác” đã hỗ trợ rất tốt trong điều trị ung thư. Số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện tăng cao, sự tiếp cận, học hỏi qua quá trình phẫu thuật, điều trị đã mở ra “chân trời mới” trong cuộc chiến với căn bệnh nan y, nâng cao năng lực, sự tự tin cho đội ngũ bác sĩ bệnh viện.
PGS.TS. Nguyễn Đại Bình đánh giá rất cao năng lực của đội ngũ bác sĩ và tương lai phát triển của Bệnh viện HNVN-CBĐH, trong đó Khoa Ung bướu là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân. Tự ví mình là một “đầu bếp”, ông tận tâm dẫn dắt các bác sĩ từng bước thuần thục hoàn thành các “thực đơn” đa dạng, phức tạp của căn bệnh ung thư, sẵn sàng điều trị tất cả các giai đoạn cho người bệnh.
Bày tỏ sự kỳ vọng về việc tỉnh đầu tư xây dựng Khoa Ung bướu để đáp ứng yêu cầu bệnh nhân và điều kiện hoạt động cho bác sĩ, ông cũng đồng thời chỉ ra những giải pháp cần thực hiện, đặc biệt là tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các bệnh viện tuyến huyện với Bệnh viện HNVN-CBĐH.
“Một phút kịp thời, một cuộc đời ở lại!”
Chia sẻ về người thầy của mình, bác sĩ CKII, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Lê Mạnh Hà đã kể về trường hợp PGS.TS. Nguyễn Đại Bình cấp cứu bệnh nhân 54 tuổi, ung thư buồng trứng giai đoạn 4 bị biến chứng. Đó là một quyết định rất nhanh, được tính bằng phút bởi chỉ cần chậm một chút, bệnh nhân sẽ tử vong.
“Tôi cùng bác sĩ các khoa liên quan tham gia ca mổ kéo dài 3 tiếng. Chúng tôi đã học được rất nhiều bài học về năng lực, kinh nghiệm và sự quyết đoán của thầy mà nhờ “một phút kịp thời, một cuộc đời ở lại”. Chỉ sau chưa đầy 24 tiếng, bệnh nhân đã tỉnh táo và các chỉ số đều ổn định. Và sau 6 đợt điều trị tại bệnh viện, các tổn thương ung thư đã biến mất, có thể nói đây là kết quả rất kỳ diệu! So với thời điểm trước khi thầy về công tác tại bệnh viện, thì số bệnh nhân ung thư tại khoa chúng tôi tăng khoảng 400-500%, bệnh nhân chuyển tuyến giảm sâu, có tháng không có bệnh nhân nào. Là người thầy, người đồng nghiệp đáng kính, PGS.TS. Nguyễn Đại Bình luôn lan tỏa tinh thần ấm áp, động viên, khích lệ và mở ra hướng đi mới trong điều trị ung thư để chúng tôi vững tin hơn!”, bác sĩ Lê Mạnh Hà chia sẻ.
|
Không chỉ kịp thời, quyết đoán, quyết tâm trong công việc của mình, PGS.TS. Nguyễn Đại Bình luôn quan tâm tin tưởng, giao trọng trách cho thế hệ bác sĩ trẻ của bệnh viện. Bác sĩ Bùi Nhân, Trưởng khoa Ung bướu, cũng là học trò của ông, cho biết, tháng 11/2023, khoa tiếp nhận bệnh nhân T.Q.H., 62 tuổi tại phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), ung thư đường mật giai đoạn 4, đây là căn bệnh ung thư cực kỳ khó khăn, tiên lượng tử vong cao.
“Thầy đã giao cho tôi tìm hiểu phác đồ điều trị. Sau khi nghiên cứu, tôi đề xuất với thầy về liệu pháp ức chế chốt kiểm soát miễn dịch phối hợp hóa trị. Đây là liệu pháp mới được các nước phát triển trên thế giới đưa vào áp dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư đường mật giai đoạn tiến xa. Bệnh nhân T.Q.H. là bệnh nhân thứ hai trong toàn quốc được áp dụng liệu pháp này vào cuối tháng 11/2023. Và sau 5 đợt điều trị dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy, đến nay, tình trạng căn bệnh đã giảm rõ rệt, bệnh nhân phục hồi rất tốt. Điều trị ung thư phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng đây là kết quả vô cùng khả quan, lớn hơn mong đợi của chúng tôi và bệnh nhân. Đối với trường hợp này, tôi sẽ hoàn thành báo cáo khoa học để chia sẻ ca bệnh mà mình tham gia điều trị với sự tin tưởng, hỗ trợ của thầy!”, bác sĩ Bùi Nhân tâm sự.
Với 20 người, gồm 6 bác sĩ, 14 điều dưỡng, thời gian gần đây, Khoa Ung bướu thường xuyên quá tải khi số lượng bệnh nhân tăng cao, từ khoảng 30-40 bệnh nhân lên 70-100 bệnh nhân. Sự có mặt của GS. Reno, chuyên gia Cuba, là người PGS.TS. Nguyễn Đại Bình đánh giá rất cao cũng đã góp phần nâng cao kết quả điều trị, tạo niềm tin và hy vọng lớn cho người bệnh.
Bệnh nhân T.T.H., 64 tuổi ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) bị ung thư đại tràng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Việc được điều trị ngay tại quê nhà đã giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho bà. Bà H. chia sẻ: “Các bác sĩ và điều dưỡng ở đây rất tận tình, quan tâm. Nếu phải đi xa điều trị thì gia đình tôi không thể đủ tiền dù tôi có mua bảo hiểm. Tôi rất yên tâm và cảm ơn các bác sĩ bệnh viện!”
Không chỉ có bệnh nhân trong tỉnh, theo bác sĩ Bùi Nhân, khoa đã đón nhận nhiều trường hợp đến từ các tỉnh lân cận và xa nhất là Đồng Nai. Có được kết quả như bây giờ là nhờ sự quan tâm tạo điều kiện rất lớn của tỉnh, của Ban Giám đốc bệnh viện, đặc biệt là sự có mặt của PGS.TS. Nguyễn Đại Bình.
Ngọc Mai