Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTG ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, sáng 13/5, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với địa phương này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương tham dự buổi làm việc.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, UBND tỉnh Quảng Trị đã kịp thời ban hành nhiều chương trình, hoạt động để bàn và đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Nhờ vậy, tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm của tỉnh có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,97% của quý I/2022. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển.
Đến hết tháng 4/2023, có 618 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư lên đến 246.675,86 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, đến ngày 30/4/2023, tổng giá trị giải ngân là 314,94 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch. Cụ thể, ngân sách địa phương 180,552 tỷ đồng, đạt 13,6% kế hoạch; ngân sách Trung ương hỗ trợ mục tiêu 117,463 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch…
Ngoài ra, địa phương cũng đã và đang dành nhiều nguồn lực, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn như đường tránh phía Đông TP Đông Hà có tổng mức đầu tư 399,96 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ; Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả quan trọng, tích cực đã đạt được trên tất cả các ngành, lĩnh vực, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình hoạt động, thực hiện như khó khăn về sản xuất kinh doanh; vướng mắc trong đầu tư công; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh…
“Địa phương kiến nghị, xin ý kiến đoàn công tác Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tạo cơ chế để hỗ trợ địa phương phát triển”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành trong đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự đồng tình với lãnh đạo địa phương.
Bộ trưởng nhìn nhận, Quảng Trị là một tỉnh nhỏ với dân số hơn 650.000 người, so với một số tỉnh khác thì Quảng Trị có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn do hậu quả của 2 cuộc chiến tranh để lại.
Đánh giá cao những kết quả mà Quảng Trị đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng xuất phát điểm của tỉnh còn nhiều hạn chế.
“Nhưng không có gì cũng là một lợi thế và địa phương cứ mạnh dạn làm để phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Quảng Trị còn nhiều khó khăn nhưng cũng là địa phương có nhiều tiềm lực, trong đó có tiềm lực tại chỗ và tiềm lực từ bên ngoài hỗ trợ.
“Phát triển điện gió rồi, giờ Quảng Trị quan tâm, thu hút các nhà đầu tư vào làm điện khí, tạo thế cân bằng nhằm biến địa phương thành trung tâm năng lượng cũng là một chính sách rất hài hoà.
Hơn nữa, ở Quảng Trị có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, là nơi an nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Mỗi năm, có hàng triệu người từ các địa phương khác đến Quảng Trị, quan tâm đến địa phương, thăm viếng các nghĩa trang… vì đó là nơi mà ông, cha, anh em của họ yên nghỉ. Vì thế, ngoài nguồn lực sẵn có, địa phương cũng có thể vận dụng được nguồn lực là nhân lực từ bên ngoài”, Bộ trưởng Bộ TT&TT gợi ý.
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, địa phương cần vận dụng tối đa các nguồn lực có sẵn để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, phát triển dựa vào kinh tế số, kinh tế xanh, đầu tư bài bản vào CNTT để giúp cán bộ, công chức giảm áp lực thời gian và khối lượng công việc.
“Một số kiến nghị, vướng mắc của địa phương, đại diện các lãnh đạo Bộ, ngành có mặt tại đây đã có ý kiến rồi. Còn những kiến nghị, đề xuất khác, đoàn công tác sẽ tập hợp và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.