Theo chuẩn nghèo của Chính phủ, đến nay tỉnh Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo. Địa phương này đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm.
Năm 2022, Quảng Ninh vẫn còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% trong tổng số hộ dân toàn tỉnh. Các hộ nghèo chủ yếu tập trung tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, nhất là bà con ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, Quảng Ninh đã chủ trương dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đồng bào, đặc biệt là việc triển khai các gói vay tín dụng đối với người nghèo, các đối tượng chính sách.
Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, Ngân hàng C đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền giải ngân gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, tạo được sự đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo.
Qua đó, nhận thức về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo được nâng lên; nhiều tấm gương quyết tâm vươn lên thoát nghèo xuất hiện ở hầu hết các địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã dành nguồn lực lớn từ ngân sách, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp để hoàn thiện tất các dịch vụ xã hội cơ bản cung cấp tới các hộ nghèo.
Cơ sở hạ tầng được đổi thay hoàn toàn đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể từ tỉnh tới thôn, khe, bản. Các mô hình, các cơ sở sản xuất gắn với giải quyết việc làm được phát triển đồng bộ, rộng khắp, đời sống người nghèo được cải thiện mạnh mẽ.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được Quảng Ninh phát động, các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.
Quảng Ninh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Cụ thể, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh.
Trong đó, TP. Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Quảng Ninh hiện đã bước sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, cao hơn mức bình quân của cả nước, quyết tâm không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo…
Hiện Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/người, đến năm 2030 đạt 8.000-10.000 USD/người.
Hải Anh