Tình trạng thiếu giáo viên là thông tin do bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đưa ra tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV ngày 8.12.
Địa phương phải tổ chức thi tuyển giáo viên hợp đồng
Theo bà Thúy, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Quảng Ninh sẽ tăng cường nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày của cấp tiểu học; phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các trường tiểu học tổ chức 2 buổi/ngày và khuyến khích các trường THCS, THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời, sẽ khai thác tối đa ưu điểm công nghệ thông tin; tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục tư thục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Cũng tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết, địa phương này vẫn còn tình trạng dạy tin học “chay” do thiếu giáo viên và chậm đấu thầu mua sắm trang thiết bị ở một huyện, thị xã trên địa bàn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết nhu cầu biên chế giáo viên của tỉnh là 21.290 người, với tổng người làm việc hưởng lương ngân sách được giao 19.378 người. Tuy nhiên, số giáo viên hiện hữu của tỉnh là 18.711 người, như vậy còn thiếu 2.579 người.
Theo bà Hạnh, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tự chủ cho 181 trường đủ điều kiện với số người làm việc 8.196 người. Trong đó, số giáo viên hưởng lương từ ngân sách là 6.059 người, số còn lại do các địa phương và trường tự chủ hợp đồng. Vì thế, các địa phương phải tổ chức thi tuyển giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Phụ huynh phải đứng ra ký hợp đồng cung cấp suất ăn
Theo phản ánh của nhân dân, cử tri, hiện nay tại nhiều trường ở tỉnh Quảng Ninh có tình trạng phụ huynh phải đứng ra ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn trưa cho học sinh. Nguyên nhân là nhà trường vướng mắc trong việc thực hiện luật Đầu tư. Bởi theo quy định, các hợp đồng hàng trăm triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư nhưng lâu nay các cơ sở giáo dục không thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng các đơn vị học gần hết kỳ 1 của năm học 2023-2024, nhưng vẫn phải loay hoay tìm phương án ký hợp đồng cung cấp suất ăn.
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho rằng đối với cấp học mầm non, bữa ăn bán trú là quy định bắt buộc; đối với một số trường tiểu học và THCS, tổ chức ăn bán trú cho học sinh đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày theo nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh. Trước đây, nhà trường căn cứ theo quy định của Sở GD-ĐT về hướng dẫn thu chi đầu năm.
Sau một thời gian thực hiện căn cứ vào quy định của luật Đầu tư, Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo quy định; đồng thời tổ chức tập huấn cho nhà trường thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số đơn vị chuyển từ nhà trường hợp đồng sang phụ huynh học sinh đứng ra ký kết với đơn vị cung cấp. Việc chuyển giao này chỉ là “giải pháp tình thế”. Bởi trong lúc chờ các trường hoàn thiện hồ sơ, phụ huynh tạm thời đứng ra hợp đồng.
“Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu và thực hiện đầy đủ các quy định về đấu thầu nếu có khó khăn vướng mắc thì báo cáo theo phân cấp để được hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời”, bà Thúy cho biết.