Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 16.9, thiệt hại tại tỉnh Quảng Ninh sau cơn bão số 3 là 24.223 tỉ đồng. Trong đó: thiệt hại nhà ở, công trình kiến trúc 6.447 tỉ đồng; lâm nghiệp: 5.207 tỉ đồng; thủy sản: 3.692 tỉ đồng; văn hóa du lịch: 2.485 tỉ đồng…
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, trên địa bàn có 9.683 khách hàng với tổng dư nợ thiệt hại 10.982,4 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có 2.583 khách hàng với tổng dư nợ 2.416,5 tỉ đồng. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với 735 khách hàng có tổng dư nợ 3.738,8 tỉ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có 337 khách hàng với tổng dư nợ 1.791,5 tỉ đồng.
Các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với nhiều gia đình và doanh nghiệp gần như mất trắng. Hàng loạt bè nuôi thủy sản bị trôi dạt, cây trồng bị gãy đổ, tàu du lịch, tàu hàng bị chìm đắm và hư hỏng nặng nề. Rất nhiều khách hàng đã mất khả năng trả nợ do tài sản thế chấp bị hư hỏng hoặc thất thoát.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngân hàng triển khai những chính sách hỗ trợ đặc biệt. Cụ thể, bao gồm việc khoanh nợ, giảm lãi suất và tạo điều kiện vay mới cho những khách hàng không còn tài sản thế chấp. Đồng thời, các ngân hàng cần xây dựng mức lãi suất ưu đãi cho những khoản vay mới, giúp người dân và doanh nghiệp có nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng ổn định đời sống.
Lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo các ngân hàng, nhằm bàn bạc cụ thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tất cả những hoạt động này đều được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17.9.2024 về việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/quang-ninh-keu-goi-ngan-hang-thao-go-kho-khan-sau-bao-1396159.ldo