Ngày 23/9, tại Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 14, nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã được thông qua.
Trong đó, thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024 – 2025 nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh để các nhà trường duy trì sĩ số, nền nếp chuyên cần.
Nghị quyết đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo và động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu, yên tâm học tập.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 631 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên với trên 365.000 học sinh, sinh viên, học viên.
Với chính sách này, sẽ có gần 244.000 học sinh của gần 165.000 hộ gia đình được hưởng hỗ trợ. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm học 2024-2025 khoảng 167 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Ngoài hỗ trợ giáo dục, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ khác nhằm khắc phục hậu quả bão số 3. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ cho hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới; hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ một phần chi phí trục vớt các phương tiện tàu, thuyền bị chìm do bão. Mức hỗ trợ dao động từ 15 triệu đến 50 triệu đồng tùy vào kích thước tàu thuyền. Không xem xét hỗ trợ đối với các phương tiện đã mua bảo hiểm hoặc không tuân thủ quy định phòng chống bão. Thời gian hỗ trợ phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2024.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh, những nội dung được trình tại kỳ họp hôm nay đều là những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách. Dù thời gian ngắn nhưng Đảng đoàn HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành đã chuẩn bị chu đáo và được thẩm tra kỹ lưỡng. Các cơ chế, chính sách này được HĐND tỉnh thông qua thể hiện sự động viên, chia sẻ với những mất mát của người dân, doanh nghiệp.
Để các nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, tất cả các cơ chế, chính sách khi ban hành phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời kế thừa, phát huy cơ chế chính sách đã có. Đề nghị UBND tỉnh có bổ sung thêm báo cáo dự kiến sử dụng nguồn kinh phí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn bão số 3; chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng tham mưu các văn bản hướng dẫn việc xác định tiêu chí khắc phục khó khăn và quy trình, trình tự thủ tục hồ sơ để thực hiện hỗ trợ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đến trực tiếp các đối tượng thụ hưởng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh thêm, đây mới là những cơ chế, chính sách bước đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh những bất cập, khó khăn hoặc cần bổ sung thêm chính sách, Ban Cán sự Đảng chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-ho-tro-100-hoc-phi-cho-hoc-sinh-sau-con-bao-so-3.html