Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh minh hoạ Internet.
Bên cạnh việc phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cùng nỗ lực của các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thêm khởi sắc. Sở Công Thương Quảng Ninh thông tin, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh có sự ổn định và tăng trưởng đều đặn trong những năm qua.
Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Những năm qua, thương mại biên giới luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Móng Cái với TP. Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc).
Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch XNK qua cửa khẩu này vẫn đạt trên 4 tỷ USD, tăng 46%; năm 2022, tổng lượng hàng hóa XNK đạt 1 triệu tấn, kim ngạch XNK gần 3,3 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước gần 1.650 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Theo thống kê, đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi ngày có gần 220 phương tiện hàng hoá XNK qua cửa khẩu Bắc Luân II và lối mở Km3+4 Hải Yên. Ảnh Internet.
Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ đầu năm 2023, hoạt động XNK, xuất nhập cảnh qua Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) liên tục tăng trưởng. Tính đến hết tháng Tám, tổng kim ngạch hàng hoá XNK đạt hơn 2,2 tỷ USD (tăng khoảng 5%); thu ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng (tăng khoảng 8%) so với cùng kỳ năm 2022.
Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm được TP. Móng Cái và TP. Đông Hưng tập trung đẩy mạnh. Tín hiệu hồi phục thương mại biên mậu thời gian gần đây tiếp tục củng cố quan hệ hai Bên, hướng tới xây dựng cơ chế thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc theo định hướng của Trung ương.
Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết: “Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh hàng năm duy trì hội đàm “hai nước bốn bên”. Ở cấp Chi cục, Hải quan cửa khẩu Móng Cái tích cực mời Hải quan Đông Hưng sang trao đổi, bàn bạc phương hướng tháo gỡ các khó khăn. Đáp lại, phía Nam Ninh, Đông Hưng cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm trong thảo luận, rõ ràng minh bạch, đưa ra các giải pháp để hai bên cùng thúc đẩy hoạt động XNK hiệu quả trong thời gian tới.
Hạ tầng XNK ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cải cách minh bạch hay chất lượng hàng hoá nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường “tỷ dân” là những “chìa khoá” quan trọng. Tuy vậy, nền tảng vững chắc cho hợp tác thương mại chính là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, được Thành uỷ, chính quyền TP. Móng Cái kế thừa và phát triển qua từng năm. Cụ thể hoá chủ trương “xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển” của hai Đảng, hai Nhà nước, Quảng Ninh – Quảng Tây, Móng Cái – Đông Hưng, Phòng Thành liên tục có các hoạt động thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị, hội đàm, hỗ trợ lẫn nhau…
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái khẳng định: “Đóng góp trong tăng trưởng XNK, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu khu vực Móng Cái, có “vai trò tích cực” của sự hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt niềm tin chiến lược của cả hai bên trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Chúng tôi thống nhất hành động xây dựng tuyến biên giới cửa khẩu khu vực Móng Cái, Quảng Ninh là tuyến biên giới cửa khẩu kiểu mẫu trong hệ thống cửa khẩu quốc gia toàn quốc.
Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (bao gồm TP. Móng Cái và một phần huyện Hải Hà) được Thủ tướng Chính phủ xác định là trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái-Phòng Thành (Trung Quốc) (theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040).
Trong quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Móng Cái dành quỹ đất 1.300 ha, giáp với TP. Đông Hưng (Trung Quốc) và nằm giữa cửa khẩu Bắc Luân II với đường dẫn và cầu Bắc Luân III. Khu vực này kết nối thẳng tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, thuận lợi trong việc kết nối giao thương, phát huy lợi thế vị trí địa lý để mở rộng hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại, chế biến, chế tạo công nghệ cao, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác của Đông Hưng.
Triển vọng về khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại đây tiếp tục đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia./.
Vietnam.vn