SGGPO
Gần 1 tháng nay, người nuôi tôm ở Quảng Ngãi lo lắng vì nắng nóng khiến việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ một vụ tôm ảm đạm.
Thời điểm này, tại các ao nuôi tôm ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) luôn có người túc trực để sẵn sàng chống nóng cho tôm.
Trong hồ nuôi tôm rộng 1.200m2, anh Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) nuôi khoảng 40.000 giống tôm thẻ chân trắng hơn 2 tháng.
Nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 khiến người nuôi tôm gặp rất nhiều bất lợi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Anh cho biết: “Năm nay thời tiết nắng nóng quá nên nuôi tôm khó đạt, trung bình vụ nuôi tôm kéo dài khoảng 2 tháng 20 ngày là thu hoạch, đến nay chỉ còn hơn 15 ngày đến kỳ thu mà tôm vẫn chậm lớn, khả năng phải để nuôi thêm chục ngày để đạt kích cỡ thu hoạch”.
Nắng gay gắt suốt tháng 6, nên anh Dũng phải tìm cách “hạ nhiệt” cho tôm, anh nói: “Mùa Xuân nuôi tôm thì không cần thay nước, cứ để nước vào hồ rồi nuôi hết đến vụ, nhưng khi nắng nóng kéo dài, tôm không chịu được thì phải châm nước để hạ nhiệt cho tôm. Sáng đưa nước vào, chiều xả ra hạ nhiệt. Tôm cũng bị sốc nhiệt nên việc thay đổi môi trường nước cũng khiến tôm bị bệnh. Nếu nắng nóng còn kéo dài, khả năng sau thu hoạch vụ này thì không nuôi nữa, bỏ không hồ nuôi một thời gian”, anh Dũng nói.
Do thời tiết nắng nóng nên tôm nuôi có dấu hiệu bệnh, chết, khiến người nuôi xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lo lắng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Nguyễn Thanh Phong (xã Bình Dương) có 2.500m2 diện tích nuôi, mới thả 4 vạn tôm giống, 300 con cá giống và 400 cua giống theo mô hình nuôi quảng canh. Ông nói: “Tôi nuôi ghép tôm, cua, cá nhưng nắng nóng này khiến tôm liên tục bị bệnh, chết trắng đáy. Vụ trước, tôi nuôi 7 vạn tôm giống, sau 1 tuần thấy tôm có dấu hiệu bị bệnh hồng thân, qua 1 tháng thì không còn con nào sống sót”.
Theo ông, nguyên nhân tôm bị bệnh hồng thân có thể do môi trường nước trong ao nuôi bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.
Ông Phong cho biết thêm, bình thường, nếu thả 40.000 con giống, sau hơn 2 tháng thu hoạch 3 tạ. Nhưng do nắng nóng, tôm bị bệnh chết nên sản lượng thu hoạch chỉ còn được 1 tạ, giá bán tôm đạt mức 140.000 đồng/kg.
Ông Phong đang kiểm tra chất lượng tôm sau một thời gian nuôi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến nồng độ oxy trong nước giảm mạnh. Vì thế, tôm sẽ phát triển chậm hoặc chết dần. Hiện tại, người nuôi tôm ở các vùng nuôi thâm canh như xã Đức Minh, Đức Phong (huyện Mộ Đức) gặp khó trong việc duy trì ao nuôi khi giá vật tư đầu vào và chi phí nhân công tăng cao, trong khi đó, giá nuôi tôm ở các vùng này chênh lệch rất thấp, chỉ từ 65.000-70.000 đồng/kg đối với tôm có kích cỡ 110-120 con/kg.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 550ha thủy sản nước lợ, chủ yếu tôm, ốc hương… Người dân túc trực để duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,4m trở lên, nhiều hộ nuôi các vùng thâm canh còn phủ lưới che nắng, hạn chế bức xạ, sắm thêm máy phát điện và sục khí oxy cho tôm.
Các vùng nuôi thâm canh tôm tại huyện Mộ Đức phải “trợ sức” bằng chạy máy ôxy liên tục. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Để giúp người nuôi trồng thủy sản giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Chi cục đã phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo các chủ hồ thực hiện các biện pháp “chống nắng” gắn với phòng ngừa dịch bệnh trên tôm và ốc hương, trong đó có việc quan trắc môi trường định kỳ.
Bà Đông cho biết: “Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện tôm bệnh, người nuôi cần chủ động báo cho chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y để được hỗ trợ kịp thời. Các chủ hồ tuyệt đối không xả nước thải có tôm mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh chưa xử lý ra môi trường”.
Chi cục Thủy sản tỉnh đề nghị các chủ hồ nuôi tôm nước lợ và ốc hương cần phải duy trì mật độ nuôi phù hợp và cân đối khẩu phần ăn hợp lý tương ứng với kích cỡ, nhằm ổn định nguồn nước và oxy tầng đáy trong hồ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi.