Thu hút đầu tư còn hạn chế
KKT Dung Quất được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng hiện tại vướng mắc lớn nhất ở đây lại liên quan đến mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng chậm và không hiệu quả, thiếu đất sạch khiến nhà đầu tư dè chừng.
Trong 9 tháng năm 2024, chỉ có 2 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 14 triệu đô la Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, KKT Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ngãi có 349 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 18 tỷ USD. Trong đó 65 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư trên 2,25 tỷ USD và 284 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 16 tỷ USD.
Vốn thực hiện của các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đạt khoảng 12 tỷ USD, trong đó có 256 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng trong 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi ước đạt trên 170.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 17.200 tỷ đồng.
Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/2/2023.
Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của KKT Dung Quất trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong giai đoạn mới.
Đồng thời, là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các chiến lược phát triển mới của quốc gia, của vùng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.
Qua đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thực hiện và triển khai 9/11 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (QHPKXD) tỷ lệ 1/2000 (2 đồ án còn lại giao UBND huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi thực hiện).
Đến nay, 4 đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm: QHPKXD tỷ lệ 1/2000 KCN, đô thị, dịch vụ Bình Thanh; QHPKXD tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong; QHPKXD tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và QHPKXD tỷ lệ 1/2000 Đô thị Lý Sơn.
5 đồ án đang thực hiện, gồm: QHPKXD tỷ lệ 1/2000 KCN Bình Hòa – Bình Phước; QHPKXD tỷ lệ 1/2000 KCN, đô thị, dịch vụ Dung Quất II; QHPKXD tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tây Bắc Dung Quất; QHPKXD tỷ lệ 1/2000 Khu dịch vụ hỗn hợp Đông Dung Quất; Điều chỉnh QHPKXD tỷ lệ 1/2000 KCN phía Đông Dung Quất.
Khẩn trương hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang, KKT Dung Quất có vai trò lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trong đó việc quy hoạch các phân khu xây dựng là rất quan trọng.
Do vậy, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 còn lại để trình cấp có thầm quyền phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi thu hút các nhà đầu tư để phát triển.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của KKT Dung Quất trong thời gian đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới”, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và các quy hoạch liên quan.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung chính của quy hoạch đến các cấp, các ngành và người dân; tạo sự đồng thuận và thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Hiện nay, Quảng Ngãi đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, cụ thể. Trong đó, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là về đất đai; chủ động sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp cho từng thời kỳ và tăng cường quản lý, giám sát tiến độ thực hiện quy hoạch.
Tỉnh sẽ sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các ngành, lĩnh vực then chốt, có tính đột phá và sức lan tỏa.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-hoan-thanh-cac-do-an-quy-hoach-de-hut-nha-dau-tu.html