Giá đất là gốc của vấn đề
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Quảng Ngãi là hơn 6.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 5.045 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương.
Ước tính đến ngày 31/10/2024, Quảng Ngãi giải ngân khoảng 2.303 tỷ đồng, bằng 33,4% kế hoạch vốn giao. Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân khoảng 1.810 tỷ đồng (35,9%), ngân sách Trung ương giải ngân khoảng 492 tỷ đồng (26,5%).
Hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ngãi thấp hơn nhiều so bình quân chung cả nước. Nguyên nhân chính được cho là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do không xác định được giá đất làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất.
Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của nhiều dự án lớn trên địa bàn, trong đó có cả các dự án trọng điểm, tiêu biểu như dự án đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với chiều dài hơn 6km, qua xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi) và xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh).
Đây là công trình được chọn gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, vì thế phải hoàn thành, đưa vào sử dụng trước tháng 9/2025. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2024.
Dù được triển khai thi công từ năm 2019 nhưng đến nay, theo chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chỉ đạt khoảng 51-52% vì vướng giá đất.
Tương tự, dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng cũng chưa hẹn ngày “về đích”, trong đó có nguyên nhân vướng giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn hoàn thành sang năm 2025.
Theo ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, muốn giải ngân vốn thì phải có mặt bằng để thi công. Trong khi đó, muốn có mặt bằng thì phải thực hiện phương án bồi thường được cấp thẩm quyền phê duyệt. Mà muốn có phương án bồi thường thì phải có giá đất.
Thế nhưng vấn đề chuyển tiếp của các quy định pháp luật về đất đai, bồi thường… dẫn đến lúng túng trong xác định giá đất cụ thể, kéo theo đó là không có mặt bằng triển khai thi công.
“Từ nay đến cuối năm, nếu chưa có giá đất và phương án bồi thường được phê duyệt thì câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục chậm”- ông Dụng chia sẻ.
Đâu là lời giải?
Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho biết, về công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định.
Đồng thời, theo quy định, việc quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện là cơ quan tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể.
Công tác xác định, quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đã được pháp luật đất đai năm 2024 quy định cụ thể và được áp dụng thống nhất trên địa bàn cả nước.
Về giải pháp khắc phục, theo ông Trung, UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị tham mưu có liên quan khẩn trương thực hiện công tác xác định, quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tiến độ, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn cấp huyện.
UBND cấp huyện chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện hoặc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất cấp huyện rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ để đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất theo quy định. Đáp ứng nhiệm vụ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xác định giá đất cụ thể trong trường hợp không có nhà thầu tham dự theo quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ.
Cũng liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi Nguyễn Văn Trọng cho biết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ngãi và 3 ban thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban để tháo gỡ khó khăn.
“Đối với vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương xin điều chỉnh giảm vốn. Nếu được điều chỉnh giảm thì Trung ương sẽ bổ sung vào năm 2025, còn nếu không được cho phép thì tỉnh sẽ xin Trung ương kéo dài qua năm 2025”- ông Trọng cho hay.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-giai-ngan-von-dau-tu-cong-duoi-muc-trung-binh-vi-gia-dat.html