Hai cụm động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam là Điện Bàn – Hội An – Đại Lộc và Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh.
Theo quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng vừa phê duyệt, tỉnh sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình cấu trúc “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”.
Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.
Vùng Tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Khâm Đức – Phước Sơn và Thạnh Mỹ – Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông – Tây.
Quảng Nam phát triển hai cụm động lực gồm cụm Điện Bàn – Hội An – Đại Lộc là cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP Đà Nẵng. Tỉnh sẽ hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.
Cụm Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của ba đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục – đào tạo, đô thị thông minh.
Tỉnh cũng xây dựng ba hành lang động lực phát triển, gồm cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến ven biển để tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai.
Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh phía tây của tỉnh phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang để giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào – bắc Campuchia.
Theo quy hoạch, năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Tỉnh được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa.
Du lịch là một trong bốn trụ cột chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics; nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Trọng tâm của du lịch là phát triển các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe…
Không gian phát triển du lịch được quy hoạch theo bốn khu vực, gồm: Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An gắn với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; du lịch ven biển Duy Xuyên – Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An; du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây và phát triển du lịch nông thôn ở những khu vực có điều kiện.
Quảng Nam có diện tích tự nhiên 10.574,86 km2, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, phía nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía tây giáp Lào, phía đông giáp Biển Đông. Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đón hơn 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 7.950 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.680 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD, thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân. Tỉnh phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đắc Thành