Thu hút đầu tư tỉ đô
Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc; có 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp cổ Mỹ Sơn; có 2 khu kinh tế bao gồm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại “Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam” tháng 7.2024, ông Lê Văn Dũng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhờ phát huy lợi thế đó, Quảng Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy trong mắt các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kết quả, đến nay tỉnh đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỉ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỉ USD (xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài – theo Cục Đầu tư nước ngoài).
Quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện xếp 26/63 tỉnh, thành phố cả nước với gần 59 nghìn tỉ đồng. Hoạt động xuất khẩu năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỉ USD. Nguồn nhân lực dồi dào, phát triển về cả số lượng và chất lượng, mục tiêu đến năm 2030 quy mô lực lượng lao động của tỉnh đạt trên 77 nghìn người.
Đầu tháng 7.2024, tập đoàn Karcher (Đức) đã đưa vào vận hành dự án “Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch” đầu tiên ở Đông Nam Á, trị giá 20 triệu Euro, tại KCN Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam.
Trả lời PV Lao Động, ông Rainer Kern – Giám đốc Tài chính Công ty Karcher Vietnam Technology cho biết: “Chúng tôi tin rằng Quảng Nam là nơi tốt nhất để mở rộng quy mô sản xuất của mình, bởi đã nhận được sự hỗ trợ tối ưu từ phía Chính phủ. Ngoài ra, cơ sở tại đây có hạ tầng phát triển với quốc lộ, cảng biển, đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu…
Cải thiện môi trường đầu tư, cởi trói cho doanh nghiệp
Tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) – cho biết, THACO đã đầu tư cảng, đầu tư hệ thống nhưng giá thành logistics vẫn cao hơn ở 2 đầu đất nước là 20%. Để xử lý khó khăn này doanh nghiệp đã nhập hàng là các linh kiện, để sản xuất lắp ráp rồi xuất khẩu, nhưng vẫn đang thiếu hàng.
“Đối với ngành logistics thì chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, sẽ quyết tâm tham gia để tham gia đấu thầu dự án Cửa Lở. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống giao thông đường bộ chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu đầu tư đường theo hình thức BOT để tập trung cho chuyến vận chuyển từ Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên về Chu Lai. Chúng ta được đầu tư vào hạ tầng sớm, cùng với tàu hàng lớn vào được thì sẽ giải quyết được chi phí logistics. Khi chi phí logistics thấp thì các nhà đầu tư khác họ sẽ đến với miền Trung nói chung và đến Quảng Nam nói riêng”, ông Trần Bá Dương phân tích.
Tương tự, ông Don Lam – Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Thành viên HĐQT Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho biết, từ năm 2016, doanh nghiệp đã đầu tư 1,2 tỉ USD vào dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hoiana (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), là khu du lịch lớn nhất ở miền Trung hiện nay.
Trong 2 năm qua, Hoiana đóng góp tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương.
“Không phải vì những ràng buộc, khó khăn mà chúng ta không làm hay không dám làm. Trong thời gian tới đây, Quảng Nam kiên quyết thực hiện cho bằng được việc này, để có môi trường đầu tư tốt, có doanh nghiệp đầu tư lớn, tầm cỡ đầu tư vào Quảng Nam” – ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/quang-nam-mo-cua-thu-hut-dau-tu-de-dot-pha-phat-trien-1380232.ldo