UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Đề án này có dự toán tổng kinh phí thực hiện 1.670 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trung ương, Quảng Nam và TP Hội An là 1.470 tỷ đồng, 200 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn tài trợ ODA.
Quảng Nam định hướng Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch – dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Nam sẽ trùng tu, tôn tạo tất cả di tích được xếp hạng song hiện xuống cấp; nâng cấp bảo tàng, nhà hát, điểm dừng chân, thư viện, phòng trưng bày truyền thống. Các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn.
Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ khu phố cổ, qua đó góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh.
Ngoài ra, Hội An cũng sẽ được đầu tư phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2, phòng chống mối mọt cho di tích, xây kè bảo vệ khu phố cổ,..
Hội An nằm trong tam giác di sản văn hóa thế giới Huế – Hội An – Mỹ Sơn. Thành phố hiện có 1.439 di tích, riêng “vùng lõi” 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc các công trình dân dụng, công trình tín ngưỡng như đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc và công trình đặc thù.
Cuối năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công là di sản văn hóa thế giới.
Đến nay, Hội An có 6 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế, Tết Trung Thu và Tết Nguyên Tiêu ở Hội An.
Hiện, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Gần đây, Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xây dựng hồ sơ gia nhập “mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO”. Đây là cơ hội tốt để Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái,…