Trong hai ngày 8 và 9/2, tức ngày 11, 12 tháng Giêng Âm lịch, tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên đã diễn ra sôi nổi lễ hội truyền thống Bà Chiêm Sơn.
Năm nay, lễ hội Bà Chiêm Sơn được tổ chức với 2 phần lễ và phần hội, riêng về phần lễ tổ chức theo nghi thức truyền thống.
Lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài các lễ vật phải có, còn có 1 con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và một con gà luộc, sau lễ tế toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân trong làng dùng hết trong ngày.
Lễ Đại tế diễn ra vào lúc nửa đêm, thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 và ngày 12. Đây là nghi thức Đại tế cổ truyền ở làng Chiêm Sơn, diễn ra với 20 lần xướng cùng với tiếng chiêng trống hòa với nhạc lễ trang nghiêm.
Đúng 7h sáng ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Chiêm Sơn tổ chức Rước lễ vật dâng cúng Bà từ 6 xóm về dinh. Đi đầu đám rước là đội múa lân sư, đến đội chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do 16 trai tráng trong làng khiêng, rồi đến đoàn lính phù giá và toàn thể nhân dân trong làng cùng khách thập phương. Sau khi rước sắc, dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ công đức của Bà Chiêm Sơn.
Phần hội cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như giải bóng chuyền, đá gà, hô hát bài chòi cùng các hoạt động khác như tặng quà thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025, tặng quà học sinh thi đỗ đại học…
Theo đánh giá, năm 2025, lễ hội Bà Chiêm Sơn diễn ra với quy mô hoành tráng và thành công nhất, thu hút đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. Đặc biệt, nét nổi bật của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia biểu diễn của đội cồng chiêng huyện Nam Giang, Phòng Văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn.
“Lễ hội Bà Chiêm Sơn là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc trưng của xứ Quảng. Lễ hội là sự kết hợp hài hoà giữa phần lễ và phần hội, giữa những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Lễ hội Bà Chiêm Sơn là lễ hội của cư dân nông nghiệp kết hợp giữa tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt và bà Mẹ xứ sở của người Chăm thể hiện sự giao lưu, tiếp biến trong văn hoá Việt – Chăm một cách độc đáo và sâu sắc” |
Phi Thành – Duy Vĩ
Nguồn: https://qrt.vn/van-hoa-van-nghe/quang-nam-dac-sac-le-hoi-ba-chiem-son/
Bình luận (0)