Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học.
Tạo ra sự minh bạch, tiện ích
Ngày 9/9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo thúc đẩy triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới tạo dựng sự minh bạch, công khai, tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: “Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức Hội thảo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà trường, các địa phương. Đồng thời, để các đơn vị đã thực hiện tốt chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Đại diện một số nhà trường cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên trong trường.
Với cách làm truyền thống, nhận tiền mặt yêu cầu người thu phải ghi chép tên, số tiền và thực hiện việc đối chiếu để khớp số tiền đã thu.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo nhiều lợi ích, như: tiết kiệm thời gian, không rườm rà trong đối soát, tra cứu thông tin dễ dàng… Tất cả được thực hiện tự động giúp giảm rủi ro trong các giao dịch tiền mặt trong trường học.
Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT TP Đồng Hới cho biết, năm học 2023-2024 có 21 trường trên địa bàn triển khai việc không dùng tiền mặt. Đến nay, có khoảng 50/60 cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt.
“Trong quá trình triển khai, các tổ chức tín dụng, công ty cung cấp phần mềm phân công cán bộ chăm sóc, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai để xử lý kịp thời những vướng mắc.
Qua 2 năm triển khai, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã đem lại tiện ích, giúp các cơ sở giáo dục quản lý tốt hơn về tài chính, rõ ràng, minh bạch, tạo được niềm tin trong phụ huynh và người dân”, ông Hồ Thanh Hải cho biết.
Cần thay đổi thói quen
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học còn tồn tại khá nhiều khó khăn. Thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt phải phù hợp với phụ huynh và điều kiện thực tế tại các địa phương.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới, một bộ phận phụ huynh chưa có thói quen không dùng tiền mặt, hoặc chưa có điện thoại thông minh, lớn tuổi thao tác trên điện thoại thông minh khó khăn.
Mặt khác, một số đơn vị cung cấp phần mềm giải pháp thanh toán thay đổi chính sách, làm cho các trường khó khăn trong triển khai; các cơ sở giáo dục chưa được bố trí kinh phí triển khai các phần mềm quản lý thanh toán một cách tổng thể.
Ông Mai Xuân Minh, Phó Trường phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học. Trong đó, chú trọng công tác tổ chức hội nghị, hội thảo cấp huyện về triển khai, quán triệt nội dung này.
Từ đó, vị này đề xuất Sở GD&ĐT Quảng Bình giao chỉ tiêu thực hiện theo từng vùng miền, khu vực. Lựa chọn sử dụng phần mềm ưu đãi nhất để tiết kiệm chi phí cho phụ huynh và học sinh.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, ông Đặng Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thúc đẩy không dùng tiền mặt, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ huynh học sinh thực hiện thao tác nộp học phí và các khoản thu thông qua các ứng dụng mà nhà trường triển khai.
Bố trí kinh phí hoặc tham mưu cấp trên bố trí kinh phí trang cấp ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp lựa chọn giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với địa bàn.
UBND các huyện, thị xã, thị trấn tập trung chỉ đạo xã, phường, thị trấn tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về chủ trương thực hiện thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt; về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số.
Bố trí kinh phí cho các trường hoặc trang cấp cho các trường thuộc phạm vi quản lý ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Các ngân hàng nghiên cứu, áp dụng chính sách phí ưu đãi hợp lý khi phụ huynh học sinh thực hiện giao dịch, đặc biệt cần có chính sách miễn phí những năm đầu.
Tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhân viên văn phòng, và phụ huynh về cách sử dụng các phương thức thanh toán mới. Đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều nắm vững quy trình và kỹ năng cần thiết.
Đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân và tài chính của học sinh và phụ huynh, giải quyết kịp thời các vấn đề hoặc câu hỏi của phụ huynh và học sinh trong quá trình giao dịch.
Theo Giáo dục và Thời đại
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/quang-binh-thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-truong-hoc/20240910095235809