Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là câu chuyện thường xuyên được đề cập trong những năm gần đây với nhiều tiềm năng, cơ hội. Lĩnh vực du lịch và điện ảnh dù đã có kế hoạch hợp tác, song chưa mang lại hiệu quả, thiếu dấu ấn trong quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa của dân tộc.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp định danh Phú Yên với thương hiệu “miền đất hoa vàng cỏ xanh” được du khách vô cùng ưa chuộng. (Ảnh: DPCC)
Tại Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 vừa diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường; lợi thế về nhân công… Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách.
Thực tế đã chứng minh, ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật Bản… nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Mô hình du lịch theo phim ảnh tác động vào trí tò mò của công chúng bởi hình ảnh các điểm đến (phim trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích…) và nhân vật trên màn ảnh. Bên cạnh đó còn là hoạt động trải nghiệm, tham quan khác, như: Công viên chủ đề phim điện ảnh/truyền hình; các địa điểm đang diễn ra hoạt động quay phim, tác nghiệp; các sự kiện lớn…
Một số thí dụ tiêu biểu trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh có thể kể đến năm 2010, tour “Phép thuật của Harry Potter” đã giúp Universal Studios ở Orlando tăng gần 6 triệu du khách; tour “King Kong 3-D” giúp Hollywood tăng 26% lượng khách với hơn 5 triệu du khách…
Tại Việt Nam, mới đây, “A Tourist’s Guide to love – Hành trình tình yêu của khách du lịch” – một tác phẩm của Netflix được quay theo tiêu chuẩn Hollywood – đã tạo nên cơn sốt, góp phần kích cầu du lịch tại sáu địa điểm chính: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang.
Từ một số thí dụ nêu trên cho thấy, việc tận dụng sức ảnh hưởng của điện ảnh đã góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ, làm phong phú thêm sự lựa chọn của du khách; đồng thời thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm tối ưu hóa việc tận dụng nguồn lực sẵn có trong hành trình phát triển, tiến tới xây dựng công nghiệp điện ảnh và phát triển du lịch.
Để điện ảnh và du lịch có sự kết hợp hiệu quả, các chuyên gia đề xuất trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Khảo sát, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và các chiến dịch quảng bá; đầu tư có chiều sâu, bản sắc phù hợp với tiềm năng và văn hóa, lịch sử Việt Nam; tăng cường tần suất giới thiệu các loại hình phim Việt trên các kênh chiếu phim (truyền hình, không gian mạng, ứng dụng xem phim trực tuyến…); mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế nhằm khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh…
Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất điện ảnh, quảng bá du lịch, như: Quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch trên các màn hình LED tại các cửa ngõ thành phố, sân bay và các điểm tập trung đông du khách; ứng dụng Công nghệ 3D/360 trong thông tin, quảng bá…
Theo thống kê trong cả nước, hiện Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đang triển khai hiệu quả các hình thức này, kết hợp với phương hướng phát triển nhóm sản phẩm du lịch về văn hóa lịch sử, sinh thái, cộng đồng, văn hóa ẩm thực… trong mục tiêu trở thành điểm đến độc đáo. Nỗ lực, thành công bước đầu ấy là động lực để các địa phương, đơn vị khác thêm cơ hội giao lưu học hỏi, cùng thúc đẩy hành trình phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh đạt được thành tựu rõ nét hơn.
Theo Báo Nhân Dân