Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm. Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trình bày những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32 tại hội nghị
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Chỉ thị 32 cho thấy quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam về chống khai thác IUU cũng như phát triển thủy sản bền vững. Chỉ thị ban hành trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, đặc biệt những khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư vào tháng 10/2023 để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đồng thời thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới. Nội dung cơ bản của Chỉ thị 32, Ban Bí thư xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là hệ thống chính quyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư. Theo đó, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất nhập bến phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị
Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao năng lực, đảm bảo cơ chế, chính sách cho các lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để quản lý, thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản.
Trong đó chú trọng ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản; đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế trong công tác khai thác IUU. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32 trong thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, cần phải có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế./.