Sáng 6-7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới. Hội nghị cũng tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Hải Ninh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa. |
Bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 35 nghìn đại biểu. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các tỉnh, thành phố được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, những chuyển biến vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất nghiêm trọng (trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra gần 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người), trong đó khoảng 70% người bị chết, bị thương trong độ tuổi lao động để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, người dân vẫn lo lắng, bất an khi tham giao thông. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; công tác quản lý Nhà nước về TTATGT có mặt hạn chế, bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm trên một số lĩnh vực, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác này.
Để bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư yêu cầu: Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông; hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực giao thông và đảm bảo TTATGT; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư để nhân rộng; phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm TTATGT, từ đó kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.
Tại Khánh Hòa, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư đến nay, tuy tình hình TTATGT trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện; hiệu lực quản lý nhà nước và việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo TTATGT được tăng cường; tình trạng ùn tắc giao thông giảm dần; so với 10 năm trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm 1.307 vụ (giảm 43,77%), số người chết giảm 817 người (giảm 36,26%), số người bị thương giảm 735 người (giảm 42,73%).
Kết luật hội nghị, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, trước tình hình TTATGT vẫn có những diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội phải tiếp tục quyết tâm, có giải pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, yêu cầu đối với công tác bảo đảm TTATGT; phát huy tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần nội dung của Chỉ thị số 23, tạo chuyển biến tích cực, góp phần mang lại sự bình yên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Bà Trương Thị Mai nêu rõ, các giải pháp được nêu trong Chỉ thị 23 cần phải thực hiện đồng bộ, nhất quán, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và sự tham gia của MTTQ, của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư; sự tham gia của các cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó cần nêu cao vai trò của báo chí, của phương tiện thông tin đại chúng đối với thế hệ trẻ trong tuyên truyền bảo đảm TTATGT; mỗi cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải gương mẫu trước nhân dân đối với TTATGT; đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu, có như vậy mới có thêm được động lực, tạo thêm thuận lợi trong bảo đảm TTATGT, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân…
THÀNH LONG