Với chủ đề “Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh”, diễn đàn thường niên lần thứ 6 (AF6) năm 2023 là cơ hội gặp gỡ của các doanh nhân, lãnh đạo – quản lý doanh nghiệp, nơi diễn giả và thành viên tham dự cùng trao đổi về chủ đề trên.
Sự kiện do Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11/2023.
Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú. Trong đó, thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, và trái phiếu xanh.
Đại diện VIOD cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quản trị xanh (quản trị bền vững – quản trị các giá trị tác động đến môi trường và xã hội) được nhà đầu tư và các quỹ đầu tư coi là thành tố then chốt, là một tiêu chuẩn và điều kiện cần để đưa ra các quyết định đầu tư, thay vì coi là điều kiện cộng như trước đây.
Tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD chia sẻ thêm về những vấn đề liên quan đến quản trị xanh.
Theo bà Thanh, đối với Việt Nam, khả năng hấp dẫn được các nguồn tài chính xanh đến từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang ở mức độ hạn chế. Do đó, quản trị xanh đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm và đề cập đến để tiếp cận với nguồn vốn xanh.
Đặc biệt, quản trị xanh là hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội hay còn gọi là sản phẩm có trách nhiệm xã hội.
Như vậy, quản trị xanh vượt lên trên quản trị truyền thống, quản trị chiến lược… trong đó, Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo tối cao, định hướng chiến lược, giám sát chiến lược một cách hiệu quả và đảm bảo chắc chắn hiệu quả phát triển lâu dài với lợi ích của các nhà đầu tư và các cổ đông.
Là một đơn vị đang thực hiện chuyển đổi xanh, ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho biết, thời gian qua MB cũng đang tích cực thuê các tổ chức quốc tế để thực hiện chuyển đổi xanh.
Theo đó, MB xây dựng chiến lược khung tiêu chuẩn ESG, và cam kết thực hiện một cách bài bản. Đồng thời, phát triển kịch bản, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về những biến động về môi trường và xã hội.
Ngoài ra, MB cũng đầu tư hạ tầng công nghệ mới hỗ trợ hoạt động quản trị và vận hành theo tiêu chuẩn ESG. Lồng ghép các tiêu chuẩn quốc tế vào quy định nội bộ, công bố thông tin, báo cáo thường niên và báo cáo bền vững, vận hành nội bộ được số hóa…
Theo ông Phạm Như Ánh, thời gian tới MB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp… Do đó, để tiếp cận được nguồn vốn xanh từ MB thì các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các giấy phép và chứng nhận sản phẩm. Đồng thời, đáp ứng khung quản trị rủi ro môi trường, tiêu chi tín dụng xanh của MB…
Tổng Giám đốc MB cũng đề xuất những khó khăn hiện nay như chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn cũng như cấp tính dụng xanh.
Các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn thành vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị thị trường cao, do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cấn đối nguồn vốn để cho vay, trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đã cho các ngành, lĩnh vực xanh.
Tổng giám đốc MB kiến nghị NHNN và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và “tiêu chí phân loại xanh” có tính tới sự phù hợp các tiêu chuẩn thực hành tốt để các tổ chức tín dụng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Bảo Anh