Câu chuyện của Phúc khiến cư dân mạng thú vị với tinh thần khởi nghiệp quá sớm của em, nhiều người còn ví von: chắc đây là “ông chủ nhỏ tuổi nhất” Sài Gòn.
Mới 13 tuổi, Phúc đã là ông chủ một quán trà sữa |
An Biên |
4 tuổi đã phụ việc tại nhà hàng
Quán trà sữa IF của Phúc nằm tại 266 đường Võ Văn Tần, Q.3, quán nhỏ, với 2 cái bàn và ghế vì chủ yếu bán mang về. Ở quán này, Phúc vừa là chủ kiêm luôn giữ xe, pha chế, phục vụ, dọn vệ sinh…, chuyện gì em cùng làm tất tần tật. IF được mở cách đây gần 1 tháng, từ sự gợi ý của ba “ông chủ”. Quán chuyên bán các loại trà sữa, nước ép, sinh tố với mức giá 20.000 – 30.000 đồng, bình dân giữa trung tâm.
Với người lớn, mở một quán trà sữa đã khó nên với Phúc, cậu bé 13 tuổi vẫn đang cắp sách đến trường lại càng khó hơn. Em tích cóp được 2 triệu, vay bố gần 30 triệu để thuê mặt bằng, mua dụng cụ, máy móc pha chế, bàn ghế, nguyên vật liệu và bắt đầu việc kinh doanh với lời hứa: “Con sẽ cố gắng hồi vốn, làm ăn có lãi để trả lại tiền cho ba”.
Chủ quán trà sữa nhỏ tuổi nhất Sài Gòn: vay tiền ba để khởi nghiệp |
Phúc không bắt đầu với con số 0 vì từ hồi 4 tuổi, em đã bắt đầu chập chững vào nhà hàng của ba để làm việc. Tuy nhiên, làm trà sữa với em cũng là cả một vấn đề. Với sự hướng dẫn của anh Thạch Chanh Thia (35 tuổi, cộng sự và cũng là nhân viên duy nhất của Phúc), cậu bé bắt đầu học hỏi. “Tôi là cộng sự làm với ba của Phúc mấy chục năm nay, thấy cháu nó muốn mở quán nên hai chú cháu mới bàn nhau, cùng nhau làm. Từ việc mua máy móc, nguyên liệu, công thức nấu chúng tôi đều hội ý. Phúc phụ làm nhà hàng với ba nó từ nhỏ nên “có võ”, biết nhiều loại máy móc pha chế, cũng rất có chính kiến”, anh Chia kể thêm.
Mới khai trương gần 1 tháng nhưng quán của cậu bé đã có lượng khách nhất định |
cao an biên |
Nhờ người cộng sự, Phúc đã thành thục cách làm trà sữa |
cao an biên |
Anh tâm sự chức danh ông chủ với Phúc không phải chỉ là “cái mác” bởi thực tế hầu hết mọi việc trong quán em đều làm thành thục, anh chỉ là người phụ thêm. Đó cũng là lý do quán chỉ bán từ 17 – 22 giờ, vì lúc đó em mới đi học về. “Cậu chủ nhỏ” đang là học sinh lớp 8 Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3). “Mặt bằng em đang thuê chỉ bán được vào khung giờ này vì ban ngày đã có người thuê. Bán ban đêm giúp em tranh thủ được thời gian mà còn đông khách hơn. Bán xong, em sẽ dọn dẹp, về nhà chuẩn bị bài vở cho hôm sau”, Phúc kể.
Ba của Phúc (trái) và người cộng sự, cũng là nhân viên duy nhất của bé Phúc |
Băn khoăn khởi nghiệp
Nhớ lại những ngày đầu mới mở quán chưa có khách, Phúc khá băn khoăn. Tuy nhiên sau 2 tuần, em cũng đã có một lượng khách tương đối ổn định. Gần 1 tháng buôn bán, em cười khoe “sắp thu hồi lại được vốn rồi anh ơi!”.
Cậu bé kể vị khách đầu tiên trong quán trà sữa của mình là ba. Dù không hảo món trà sữa, nhưng ba em đã uống thử và góp ý cho con trai tiến bộ. “Ba nói hương vị ổn rồi, chỉ cần học và biết nấu thêm nhiều thạch mới để đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của khách là được”, em kể. Tất cả những nguyên liệu được Phúc và anh Thia cùng đi mua đều có nguồn gốc rõ ràng, tươi mới. Tuy nhiên “ông chủ nhỏ” vẫn luôn lắng nghe ý kiến khách, từ đó thay đổi, sáng tạo thêm.
Lần đầu tiên ghé quán IF gọi 2 ly trà sữa truyền thống, anh Hoàng Gin và chị Thủ Tiên (33 tuổi) đều khá bất ngờ vì ly trà sữa to đùng mà giá “rẻ rề”. Hai người càng bất ngờ hơn khi biết cậu bé vừa mang nước ra cho mình là chủ quán. Anh Nguyễn Thanh Tùng (27 tuổi, Q.Gò Vấp) cũng hay ghé quán để ủng hộ “cậu chủ nhỏ”. Anh cho biết bằng tuổi Phúc, các bạn nhỏ chỉ cần lo ăn, lo học là đã quá giỏi, đằng này Phúc còn biết kinh doanh phụ ba mẹ. Uống hết ly trà sữa, anh nhìn Phúc rồi nói: “Chắc chắn còn ủng hộ bé dài dài”.
Không phải ai cũng biết Phúc là cậu bé bị ba mẹ ruột bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, được anh Ming Wei (52 tuổi) nhận về nuôi. Nhưng chưa bao giờ anh xem Phúc là con nuôi của mình. Từ nhỏ, anh đã hướng cho con cách sống tự lập, bao nhiêu tâm huyết, hy vọng anh đều gửi ở con trai nhỏ. “Mùa dịch vừa rồi, con nói với tôi muốn đầu tư chứng khoán nhưng tôi không muốn vì nghĩ cháu còn quá nhỏ. Tôi gợi ý cho con mở quán để con hiểu thêm về giá trị của lao động, đồng tiền và dạn dĩ hơn. Mới làm ông chủ chưa bao lâu nhưng tôi thấy thằng nhỏ lớn hơn rất nhiều. Vô cùng tự hào”, ông bố rưng rưng.