Nếu được UNESCO vinh danh, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tam Cốc-Bích Động của tỉnh Ninh Bình sẽ là di sản thứ 8…
Hiện tại, Việt Nam đã có 7 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, trong đó Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) được biết đến với giá trị toàn cầu về cảnh quan.
Tuy nhiên, chưa có di sản nào được công nhận về nghiên cứu khảo cổ học và cũng chưa có di sản nào được đệ trình theo tiêu chí hỗn hợp.
Nếu được UNESCO vinh danh, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tam Cốc-Bích Động của tỉnh Ninh Bình sẽ là di sản thứ 8 và là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được công nhận theo tiêu chí hỗn hợp với các giá trị thiên nhiên, địa chất địa mạo và văn hóa đặc sắc.
Quần thể danh thắng Tràng An xứng đáng là di sản thế giới
Giá trị mang tính toàn cầu
Nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An trải dài với diện tích 4.000ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng tới 8.000ha.
Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản phân tích, điều làm nên giá trị nổi bật là khối đá vôi Tràng An đã thể hiện rõ cảnh quan karst nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa điển hình với một loạt kiểu dạng như dạng tháp, dạng nón và các dạng cảnh quan trung gian chuyển tiếp, bao quanh vô số những thung lũng, hố sụt kín, liên kết với nhau bởi hệ thống hàng trăm hang động, trong đó có nhiều hang động xuyên thủy. Hình thành do kết quả tương tác của một số cấu trúc địa chất chính trên Trái đất, khối đá vôi Tràng An độc đáo ở chỗ đã từng bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần, nay đã nổi lên trên cạn.
Môi trường tự nhiên biến động đã tạo ra những cảnh đẹp lạ thường ở nơi đây, một sự pha trộn giữa những đỉnh núi muôn hình vạn trạng, được che phủ bởi thảm thực vật nguyên sinh phong phú. Những vách đá dựng đứng bao quanh thung lũng rộng, sâu, quanh năm yên tĩnh và ngập nước.
Hệ sinh thái trên cạn là nơi lưu giữ khoảng 600 loài thực vật, 200 loài động vật, trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ. Hệ sinh thái dưới nước có khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, đặc biệt là rùa cổ sọc là loài sinh vật lạ, quý hiếm.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định bối cảnh tự nhiên nêu trên, vô hình chung trở thành điều kiện đặc biệt để khu vực này sớm trở thành cái nôi cư trú và tiến hoá của người Việt cổ.
Nhiều di chỉ khảo cổ học mới được phát hiện thời gian gần đây ở hang Mòi (hay còn được gọi là hang Mối), hang Núi Tướng, hang Ốc, mái đá Vàng, mái đá Ông Hay, mái đá Chợ…, đặc biệt là đã tìm thấy di cốt người tiền sử ở 3/6 địa điểm cho chúng ta hình dung ra không gian sống của người xưa. Họ sử dụng hang đá, mái đá làm nhà, nguồn thức ăn được khai thác xung quanh những thung lũng đá vôi.
Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu phân tích về địa chất; bào tử phấn hoa đá, nhũ đá, đất… ở hang và các thung lũng lân cận; lấy mẫu trong tầng văn hoá khảo cổ để xác định niên đại bằng phương pháp phân tích đồng vị các bon phóng xạ (C14) gồm: xương thú, than, vỏ nhuyễn thể. Kết quả phân tích cho thấy, một số mẫu vật có niên đại cách ngày nay trên dưới 10.000 năm.
Dựa vào hình dáng những công cụ đồ đá, mảnh gốm phát lộ, nơi đây có dấu ấn người tiền sử ở giai đoạn cuối Pleitocene và đầu Holocene, cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Nguồn thức ăn chính của họ là ốc núi, khai thác theo mùa (mùa mưa) ngoài ra còn có thủy sản, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ và các loại củ, quả, hạt. Điều này chứng tỏ người Việt cổ đã thích ứng một cách hài hoà với mọi biến cố của tự nhiên, tiến hoá liên tục qua một số nền văn hoá cổ để sau này lập nên mô hình nhà nước Việt Nam phong kiến trung ương tập quyền.
Hơn 10 thế kỷ trôi qua, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nữa, nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, cầu Đông, cầu Dền; những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Dền, thành Nam, chùa Nhất Trụ (Một Cột)…đã tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.
Bảo tồn di sản
Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An đã được các chuyên gia trong và ngoài nước xác định rõ, tập trung vào tiêu chí thứ 5, thí dụ tiêu biểu của truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển đặc trưng cho một hay nhiều nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên đang trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược.
Tiêu chí 7: Chứa đựng những hiện tượng tự nhiên đặc sắc hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ vượt trội. Tiêu chí 8: Là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử cho hay, căn cứ vào kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học hang động Tràng An đã xác nhận rằng, các di tích tiền sử mang trong mình những đặc thù riêng biệt, có thể xác lập sự hiện diện của một nền văn hoá khảo cổ – văn hóa Tràng An. Nó rất khác so với văn hóa khảo cổ Hoà Bình, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn, Hạ Long, Hoa Lộc cả về không gian cư trú, về chất liệu công cụ đá, kỹ thuật gia công công cụ, có sự giao thoa, tiếp xúc và diễn tiến văn hóa để bước từ nguyên thuỷ sang văn minh ở một địa bàn hết sức đặc trưng của thung lũng karst lầy trũng.
Ông Sử tỏ ra rất tâm đắc với nhận định: truyền thống khai thác nhuyễn thể, ở hang còn được lưu truyền cho tới những người Việt sau này.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Trần Tân Văn, tính toàn vẹn và tính chân xác đã được giữ gìn khá nguyên vẹn ở Quần thể danh thắng Tràng An, nhất là từ khi tỉnh Ninh Bình xác định sẽ có 5 vùng được quản lý chặt chẽ phục vụ bảo tồn, phát triển, gồm khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực khoanh vùng bảo vệ các công trình di tích lịch sử kiến trúc- nghệ thuật, di tích, di chỉ khảo cổ; khu vực bảo tồn đan xen giữa nơi được bảo vệ nghiêm ngặt và nơi dùng để phát triển du lịch; khu vực dành riêng cho phát triển du lịch; khu vực làng xã có cư dân sinh sống.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng đã cam kết thiết lập hành lang bảo vệ, ngăn chặn tất cả những tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Riêng khu vực bảo tồn nghiêm ngặt sẽ không có bất kỳ hoạt động khai thác nào làm ảnh hưởng đến tính vẹn toàn, nguyên gốc của di sản.
“Với những giá trị to lớn về văn hóa ở Tràng An cùng với giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo độc đáo, chúng tôi tin tưởng rằng, Tràng An sẽ là thành viên tiếp theo của di sản thế giới ở Việt Nam trong tương lai không xa” – ông Văn nói./.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quan-the-danh-thang-trang-an-xung-dang-la-di-san-the-gioi.html