Tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là dịp để tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của hệ thống các cơ sở giáo dục trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân; đa dạng hóa các hình thức học tập (học theo lớp, học trong trường, học ngoài nhà trường, học qua mạng, học qua đồng nghiệp…). Trong đó, đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; tạo môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong Nhân dân, qua đó khuyến khích người dân chủ động học thường xuyên, liên tục và suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà nhấn mạnh, để Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời triển khai một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, các đơn vị, các trường học cần tập trung đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cổng Thông tin điện tử, website, fanpage của đơn vị; các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Cùng đó, triển khai các hoạt động của Tuần lễ với các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực. Tổ chức ngày hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận.
Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp dạy học, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
Các nhà trường tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong thư viện theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, hiện đại, hội nhập quốc tế, phù hợp với từng cấp học. Sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí cho công tác thư viện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển văn hóa đọc. Xây dựng thư viện mở, không gian đọc thân thiện, an toàn.
Ngoài ra, xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử, kho học liệu số trường học. Thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện trường học với trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hóa phường; phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia… tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện của các trường có điều kiện tới các trường còn khó khăn nhằm phục vụ học sinh và cộng đồng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quan-thanh-xuan-khai-mac-tuan-le-huong-ung-hoc-tap-suot-doi.html