Những ngày này, cùng với việc tích cực ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 trung học phổ thông (THPT), các trường trung học cơ sở (THCS) đang tích cực triển khai phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cũng là giải pháp tích cực được ngành GD và ĐT triển khai thực hiện nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Học sinh Trường THCS Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tham quan mô hình đào tạo tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định để có thêm cơ sở lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. |
Thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường THCS đã quan tâm bố trí giáo viên tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn học nghề cho học sinh lớp 9. 100% các trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên (GDTX), các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các trường dạy nghề, các doanh nghiệp…
Tại Trường THCS Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo đã quan tâm tư vấn, hướng dẫn cho học sinh lớp 9 về vấn đề chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 148 học sinh lớp 9. Cả 148 em đã đăng ký dự xét tốt nghiệp THCS. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định cho học sinh; đồng thời tư vấn, định hướng cho cha mẹ học sinh tại cuộc họp đầu năm học về năng lực và các phẩm chất của con em mình. Từng bước tiến hành phân luồng sau những bài thi khảo sát của Phòng GD và ĐT huyện. Vào trung tuần tháng 5 hàng năm, nhà trường đã phối hợp với các trường THPT, Trung tâm GDTX và dạy nghề trong tỉnh tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi tiếp sau khi tốt nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. Kết quả, hàng năm trường có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT của huyện; hơn 20% số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học ở các Trung tâm GDTX và học nghề. Năm học 2022-2023, trường có 72% học sinh đăng ký thi vào THPT công lập, 33 học sinh chọn đi học tại các trung tâm dạy nghề và trường nghề…
Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định), cô giáo Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2022-2023, trường có 356 học sinh lớp 9. Để làm tốt công tác phân luồng cho học sinh lớp 9, nhà trường xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác hướng nghiệp và phân luồng ngay từ đầu năm học; thành lập Tổ tư vấn hướng nghiệp gồm 10 thành viên (trong đó 1 cán bộ quản lý, 8 giáo viên chủ nhiệm khối 9, 1 Tổng phụ trách Đội), phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, các thầy cô liên lạc trực tiếp với các phụ huynh để thông tin cụ thể về tình hình học tập của các em, có sự tư vấn hướng nghiệp phù hợp với từng em. Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được lồng ghép vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp và trong cả tiết dạy chính khoá, sinh hoạt lớp. Đồng thời, trường phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định, Trường Trung cấp nghề số 8, Trường Phổ thông Cao đẳng FPT…) để tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh. Kết quả, có 57 học sinh được tư vấn trực tiếp để có định hướng học ở các trung tâm GDTX và học nghề. Năm học 2022-2023, căn cứ kết quả khảo sát chất lượng học sinh khối 9 và thi thử vào lớp 10 vào cuối tháng 4, trung tuần tháng 5 do Phòng GD và ĐT thành phố tổ chức, trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cũng nêu rõ quan điểm: Trong quá trình cung cấp thông tin và tư vấn hướng nghiệp, giáo viên tuyệt đối không áp đặt suy nghĩ của mình cho học sinh cũng như phụ huynh. Giáo viên cần nắm rõ nguyên tắc phải giúp học sinh hiểu rõ: “Mình là ai”, “Mình cần gì”, “Mình tự quyết định cho tương lai của mình”, và để tự học sinh ra quyết định lựa chọn. Việc lựa chọn học nghề hay thi tiếp vào các trường THPT là do phụ huynh và học sinh tự quyết,…
Để thực hiện công tác phân luồng cho học sinh lớp 9, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD và ĐT, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục thành lập Ban hoặc Tổ tư vấn hướng nghiệp. Hướng dẫn các trường THCS phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng nghề trên địa bàn huyện, tỉnh tổ chức dạy nghề phổ thông, tuyên truyền đến các nhà trường, phụ huynh, học sinh. Cùng với đó, khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Việc triển khai các giải pháp, hoạt động trong công tác phân luồng học sinh sau THCS đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực trình độ và điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ” tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau THCS còn gặp không ít khó khăn. Thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) chia sẻ: “Với tâm lý “trọng bằng cấp văn hóa hơn bằng nghề, thích làm thầy hơn làm thợ”, nên đa số phụ huynh học sinh vẫn mong muốn con em mình vào được lớp 10 công lập, nhất là những trường có thương hiệu, trường có chất lượng và tỷ lệ đỗ vào đại học cao. Do vậy, để công tác phân luồng đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục nên tư vấn cho học sinh đánh giá, cân nhắc kỹ năng lực và điều kiện bản thân, gia đình các em, sở thích, chỉ tiêu tuyển sinh khi lựa chọn hướng đi”.
Tại Quyết định 526/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16-3 về Kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, UBND tỉnh cho phép các trường THPT không chuyên tuyển khoảng 65% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023, còn lại là các loại hình khác. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2025: “có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%”. Do vậy, đòi hỏi công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh lớp 9 trong các trường THCS cần phải được quan tâm, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa, nhằm giúp học sinh chọn đúng hướng con đường tiếp tục học tập hoặc hoặc nghề phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và sở thích bản thân.
Để công tác phân luồng đạt hiệu quả hơn nữa, các cơ sở giáo dục cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư vấn và định hướng cho học sinh, đẩy mạnh kết hợp với các trường nghề, Trung tâm GDTX để tuyên truyền giúp phụ huynh, học sinh khai thông tư tưởng, quan điểm nhận thức về việc trang bị nghề phù hợp để tăng khả năng lập thân, lập nghiệp đối với cuộc đời mỗi con người. Đồng thời, các trường nghề, các trung tâm GDNN cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng khả năng và cơ hội tìm kiếm việc làm cho học viên sau đào tạo để tạo sức hấp dẫn; phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương, chính sách tuyển sinh. Có chính sách hỗ trợ người học về học phí; ưu tiên học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề nhằm giảm chi phí học tập, nhất là đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận