Ở đâu có công nhân, ở đó có điểm sinh hoạt văn hóa
Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Chương trình, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã ban hành Đề án xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (SHVHCN) tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông công nhân lao động sinh sống giai đoạn 2021 – 2025.
Ở thời điểm Đề án được ban hành, Hà Nội còn 39 điểm SHVHCN hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Với mục tiêu hoàn thiện, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình điểm SHVHCN đã có và đầu tư xây dựng mới một số điểm, LĐLĐ TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 39 điểm SHVHCN đã thành lập và đang hoạt động thường xuyên; đồng thời xây dựng 28 điểm SHVHCN mới trong giai đoạn 2021 – 2025.
Qua đó, nhằm xây dựng thiết chế văn hóa tại cơ sở, đưa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vào đời sống công nhân lao động; thu hút tập hợp công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng các điểm SHVHCN, LĐLĐ TP đã thực hiện nhiều giải pháp và mang lại hiệu quả như: hằng năm xây dựng dự toán chi kinh phí xây dựng mới các điểm SHVHCN trình UBND TP Hà Nội; hướng dẫn các cấp công đoàn về quy trình thành lập, tổ chức hoạt động, cơ chế quản lý các điểm SHVHCN; khảo sát, thẩm định điều kiện thành lập và ra quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
LĐLĐ TP cũng thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đến nay, TP Hà Nội đã có 67 điểm SHVHCN được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Khẳng định chức năng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân
Đánh giá về kết quả triển khai mô hình điểm SHVHCN trên địa bàn, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, hiện nay có 3 mô hình điểm SHVHCN được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội gồm: tại đơn vị, doanh nghiệp; tai khu, cụm công nghiệp; tại khu dân cư. Các điểm SHVHCN được sự đầu tư, hỗ trợ và duy trì hoạt động từ nguồn kinh phí của chuyên môn, lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Thời gian qua, Đảng đoàn LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, rà soát, báo cáo tình hình hoạt động của các điểm SHVHCN, đánh giá chất lượng của cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động. Qua đó đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ bổ sung trang thiết bị phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Quá trình triển khai thực hiện, mô hình điểm SHVHCN đã đạt được tính thiết thực, 3 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị; hoạt động của điểm SHVHCN có nội dung cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, được doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người lao động; xây dựng được mối quan hệ trách nhiệm giữa doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động; thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa tinh thần của người lao động trên địa bàn TP.
Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh tại các điểm SHVHCN; chức năng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của điểm SHVHCN được khẳng định, các hoạt động được tổ chức dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo công nhân lao động. Từ đó, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất, tạo không khí phấn khởi, khích lệ tinh thần làm việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại đơn vị.
Cùng với việc xây dựng các điểm SHVHCN, nhằm xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động theo tinh thần của Chương trình 06-CT/TU, Đảng đoàn LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong công chức, viên chức, người lao động. Từ đó, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần; bồi dưỡng hạt nhân văn hóa cơ sở; thúc đẩy và phát huy tính sáng tạo; góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại nơi làm việc, khu nhà ở, khu vực có đông công nhân, người lao động cư trú.
LĐLĐ TP đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động như: Hội khỏe, hội diễn văn nghệ trong công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô; Cuộc thi ảnh “Dấu ấn Công đoàn và Người lao động Thủ đô”… Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.
Các cấp công đoàn Thủ đô đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Hằng năm, các cấp công đoàn tích cực vận động đoàn viên, người lao động đăng ký công nhận sáng kiến trong lao động sản xuất, nhằm khích lệ sự sáng tạo trong đoàn viên, người lao động.
(Còn nữa…)
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-1-quan-tam-phat-trien-toan-dien-the-chat-tinh-than-cho-cong-nhan.html