Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (giữa); đồng chí Lê Thanh Triều, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận; Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Trần Thị Kiều Yến đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận chỉ ra thực trạng và đề ra giải pháp cho công tác phụ nữ trong tình hình mới, như: Thực hiện trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu trong công tác phụ nữ của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách đặc thù dành riêng cho lao động nữ – kết quả và những vấn đề đặt ra của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh; Các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới trong bối cảnh hiện nay, thách thức và giải pháp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Vai trò nồng cốt của tổ chức Hội LHPN các cấp trong công tác phụ nữ tại địa phương của Hội LHPN tỉnh…
Bí thư Huyện uỷ Năm Căn Dư Minh Hùng thông tin về công tác phát triển nguồn nhân lực nữ tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng nêu rõ công tác phụ nữ trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn một bộ phận cán bộ nữ nhận thức chưa đồng đều, còn những hạn chế nhất định, chưa thường xuyên chủ động tham mưu, còn an phận; thiếu tập trung vào chuyên môn, lĩnh vực phụ trách, chưa chịu khó trong rèn luyện, phấn đấu phát triển,… Những vấn đề này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư (Khoá XII) về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Chị Nguyễn Phương Châm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh đoàn Cà Mau, nêu những vấn đề thách thức mà phụ nữ đối mặt trong thời đại mới.
Ghi nhận những kết quả công tác phụ nữ mà Cà Mau đã nỗ lực thực hiện thời gian qua, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương mong muốn, trong thời gian tới, cấp uỷ, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển nguồn nhân lực nữ để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; có chỉ tiêu và định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nghề, khởi nghiệp cho phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những năm qua, công tác phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện qua các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật; ở mỗi giai đoạn, công tác phụ nữ có những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể khác nhau để phù hợp với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chính trị ưu tiên của đất nước. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, công tác cán bộ nữ và đào tạo cán bộ nữ được quan tâm chú trọng. Từ đó, vị trí, vai trò của phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và coi trọng; cán bộ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng được khẳng định; công tác hội và phong trào phụ nữ được phát huy khá toàn diện trên các lĩnh vực; triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Tại Cà Mau, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 520 công chức nữ, chiếm tỷ lệ hơn 25% và hơn 11.180 viên chức nữ, chiếm tỷ lệ hơn 52,5%. Tỉnh đã có Đề án tuyển chọn trí thức trẻ đưa về công tác ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để tạo nguồn (trong số 192 trí thức trẻ được tuyển chọn, có 103 nữ, chiếm 53,65%). Thời gian qua, các chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào khởi nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); các cấp Hội vận động, hỗ trợ thành lập 7 hợp tác xã, 129 tổ hợp tác, 21/77 sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ đạt OCOP 3 sao trở lên,…/.
Lam Khánh