Xác định vai trò của công tác đào tạo nghề trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đào tạo nghề. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trong giờ học thực hành. |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 Trung tâm GDNN và 6 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật; vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài; tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo của Nhà nước theo quy định… Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN trên địa bàn thực hiện các hoạt động đào tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Đối với doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ các điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN, thời gian qua tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, về kinh phí đào tạo đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đối với người học được thực hiện các chính sách như được tuyển thẳng, ưu tiên khi xét tuyển hoặc thi tuyển (theo đối tượng và theo khu vực) khi đăng ký học nghề theo hình thức đào tạo chính quy hoặc đào tạo thường xuyên ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp); được học liên thông các cấp trình độ đào tạo; miễn học phí đối với người học là người có công với cách mạng hoặc thân nhân người có công với cách mạng; giảm 70% học phí đối với học sinh, sinh viên học các nghề nặng nhọc, độc hại; giảm 50% học phí đối với học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động…
Cùng với hỗ trợ người học, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý trong lĩnh vực GDNN luôn được chú trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thường xuyên được rà soát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ. Năm 2022, toàn tỉnh có 1.582 giáo viên dạy nghề; trong đó có 28,2% tiến sĩ, thạc sĩ; 55,2% người trình độ đại học; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm; 71,4% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề đảm nhiệm dạy thực hành và tích hợp. Cơ chế tài chính và đầu tư cho GDNN luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh quan tâm. Giai đoạn 2016-2022, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo GDNN trên địa bàn tỉnh là 44,1 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo GDNN là trên 43,7 tỷ đồng. Ngoài ra, căn cứ vào kinh phí được cấp hàng năm, Sở LĐ-TB và XH hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy nghề trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt, sau đó tiến hành làm các thủ tục đấu thầu mua sắm tài sản theo các quy định của Nhà nước.
Một trong những giải pháp căn bản nâng cao chất lượng GDNN là làm tốt công tác phân luồng, liên thông. Thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 100/KH-UBND ngày 1-11-2018 thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 tỉnh Nam Định. Các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp để triển khai thực hiện đến các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền các nội dung đến với người dân trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, năm 2022, trên 6.100 học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trình độ trung cấp, đạt tỷ lệ khoảng 25%; 550 học sinh tốt nghiệp THPT học nghề trình độ cao đẳng đạt tỷ lệ khoảng 3%; kết quả tuyển sinh đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng lên hàng năm, tăng từ 33.165 người (năm 2015) lên 35.200 người (năm 2022), góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo GDNN toàn tỉnh lên 48%.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Nhiều năm qua, hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, phổ cập, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho người lao động; công tác đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, giai đoạn 2014-2020, Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phê duyệt phát triển đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao với 2 trường: Cao đẳng nghề Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định); Trường Cao đẳng nghề số 20 – Bộ Quốc phòng. Giai đoạn 2020-2025, 2 trường cao đẳng trên tiếp tục được điều chỉnh bổ sung theo Đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là một trong những cơ sở GDNN tiêu biểu về chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Đồng chí Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 335 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có 69 tiến sĩ, thạc sĩ. Trường có 12 cơ sở đào tạo ở thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Giao Thuỷ. Năm 2022, Bộ LĐ-TB và XH cùng UBND tỉnh đầu tư Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định với quy mô đầu tư khoảng 95 tỷ đồng. Năm học 2022-2023, hệ cao đẳng trường đào tạo 15 nghề, trung cấp 34 nghề, sơ cấp 37 nghề với tổng số 4.800 học sinh, sinh viên. Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, nhà trường tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng; tổ chức tuyển sinh tại địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu vực đông dân cư; phối hợp với các trường THPT, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách năng lực đào tạo của nhà trường để thu hút người học nghề. Nhà trường chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập để các em có điều kiện thực hành. Với các giải pháp đồng bộ, năm học vừa qua, trường có 100% sinh viên, học sinh tốt nghiệp, trong đó xếp loại khá, giỏi đạt 70%. Tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trung bình đạt 95%; một số ngành, nghề 100% học sinh, sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDTX) có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, bình quân mỗi năm học tuyển trên 1.600 học viên vào lớp 10. Các Trung tâm đã tổ chức thực hiện chương trình đúng quy định của Bộ GD và ĐT; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học viên; đảm bảo những kiến thức cơ bản, tối thiểu, gắn với thực tiễn; dạy học thông qua trải nghiệm. Do vậy chất lượng giảng dạy đã nâng lên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các cơ sở GDNN liên kết với doanh nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, như liên kết đặt lớp tại doanh nghiệp, các cơ sở GDNN tổ chức dạy thực hành cho các học viên, trong đó doanh nghiệp phối hợp quản lý và đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; các cơ sở GDNN hợp đồng với doanh nghiệp tổ chức cho người học và giáo viên đến thực tập sản xuất. Bình quân mỗi năm có trên 60 doanh nghiệp hợp đồng với các cơ sở GDNN tổ chức thực hành, thực tập, đào tạo và tiếp nhận người học sau khi đạt kết quả tốt nghiệp.
Hiện nay, tỉnh đang quan tâm thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có chuyên môn và tiềm lực thực sự về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao thân thiện môi trường… đảm bảo nhanh chóng xây dựng, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh từng bước khẳng định vị thế kinh tế của Nam Định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó cũng đặt ra thách thức về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới. Để tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển nguồn lao động. Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hình thức hợp tác. Tăng cường cải tiến phương pháp giảng dạy, học thực hành, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư