(BLC) – Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW (Chỉ thị 07) ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở (TTCS) trong tình hình mới”, tỉnh Lai Châu đã quan tâm, đẩy mạnh việc đưa thông tin về cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giúp người dân nắm bắt được các thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
TTCS là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở nhằm phổ biến thông tin thiết thực đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và người dân. Với vai trò quan trọng đó, ngay khi Chỉ thị số 07 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 183-CV/TU, ngày 30/9/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư. Cùng với đó, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 đảm bảo thống nhất trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 1.252 hội nghị quán triệt, tuyên truyền với tổng số 102.788 lượt người tham dự.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác TTCS, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết trên các lĩnh vực đời sống. Chú trọng thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, góp phần quan trọng đảm bảo nhu cầu thông tin của người dân. Các kênh báo chí chủ lực của tỉnh như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, cùng với các hệ thống truyền thanh – truyền hình đã thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin tình hình trong nước, trong tỉnh và trên địa bàn liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương.
Cán bộ xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường kiểm tra thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố; trạm truyền thanh cấp xã, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, điểm bưu điện – văn hóa xã, tủ sách pháp luật, cụm thông tin cổ động nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, đội chiếu phim lưu động, bảng tin công cộng…
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TTCS được chú trọng đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 93 trạm truyền thanh, 23 trang thông tin điện tử cấp xã; 577 cụm loa tại các khu dân cư, thôn, bản. Thường xuyên đổi mới từ khâu chỉ đạo, định hướng tới tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung thông tin tuyên truyền trên hệ thống TTCS được cập nhật liên tục, theo hướng bám sát và định hướng kịp thời đối với những vấn đề quan trọng, thời sự để thu hút sự quan tâm của người dân.
Hệ thống TTCS còn tập trung tuyên truyền các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống, tố giác các loại tội phạm về tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương; tuyên truyền về chuyển đổi số, chính quyền điện tử, chính quyền số… Và nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong những năm qua đã phát huy công năng đặc biệt của hệ thống TTCS.
Bà Tẩn Thị Nhẫn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở đã nâng cao được hiệu quả tuyên truyền. Với đặc thù xã miền núi, việc đi lại, truyền tải thông tin mất rất nhiều thời gian, công sức, do đó hệ thống loa truyền thanh của xã đã giúp giảm tải thời gian chúng tôi phải trực tiếp đến các bản để tuyên truyền, vận động bà con. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cụm loa truyền thanh đã phát huy tác dụng khi hằng ngày mang đến nhiều thông tin bổ ích, kiến thức cần thiết về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Góp phần định hướng dư luận, giúp người dân yên tâm thực hiện theo sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Với thiết bị gọn nhẹ, điều khiển trên phần mềm máy tính nên rất thuận tiện cho cán bộ cơ sở kiểm soát được nội dung, chất lượng âm thanh, đường truyền và đặt lịch phát sóng tự động.
Cán bộ xã Hồ Thầu chuẩn bị nội dung tuyên truyền trước khi truyền tải đến bà con.
Nhằm phục vụ công tác thông tin tuyên truyền kịp thời, đúng đối tượng, giai đoạn 2016 – 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ 3.356 thiết bị nghe, xem cho các hộ nghèo thuộc dân tộc ít người và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ trang thiết bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại 5 huyện: Sìn Hồ, Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Hỗ trợ trang thiết bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại 17 xã đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới. Qua đó, giúp các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhân dân các dân tộc có phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác tuyên truyền, kịp thời thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách tiếp nhận thông tin giữa các địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác TTCS. Từ năm 2016 đến nay, cấp tỉnh đã mở 13 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho gần 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức làm công tác TTCS. Nội dung tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng kỹ thuật truyền thông trong hoạt động TTCS. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ truyền thông cơ sở, nhất là chất lượng tuyên truyền trên hệ thống trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện TTCS. Điển hình như: thành phố Lai Châu với công tác tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; thông tin lồng ghép trong các hoạt động tại chợ đêm San Thàng. Định hướng các chi bộ nội dung thông tin hằng tháng của Đảng ủy phường Quyết Thắng. Mô hình cụm loa thông tin tại các phường: Tân Phong, Đông Phong, Đoàn Kết. Các trang fanpage “Lai Châu – Thành phố biên cương”, nhóm facebook, kênh youtube “Lai Châu – Thành phố ta yêu”… Huyện Tam Đường tuyên truyền xe lưu động của các xã, thị trấn trong phòng chống dịch Covid-9; biên soạn tài liệu tuyên truyền tháng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Định hướng các chi bộ nội dung thông tin hằng tháng của Đảng ủy xã Bình Lư. Mô hình cụm loa thông tin hoạt động hiệu quả tại xã Bản Giang, Sơn Bình…
Có thể thấy, hệ thống TTCS đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Đồng thời thông qua đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có giải pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.