(BLC) – Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương, hệ lụy do chiến tranh để lại vẫn còn, đó là những nạn nhân nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Để xoa dịu nỗi đau, chia sẻ những thiệt thòi, mất mát của những nạn nhân nhiễm CĐHH, những năm qua, các cấp, ngành huyện Phong Thổ đã quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ vượt qua khó khăn, mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Hiện, toàn huyện có 12 người là nạn nhân nhiễm CĐHH. Trong đó, có 2/12 người vừa là thương binh vừa nhiễm CĐHH. Công tác chăm lo đời sống cho nạn nhân nhiễm CĐHH luôn được huyện chú trọng triển khai thực hiện. Hằng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên thông tin, nắm bắt tình hình các nạn nhân qua Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện để có những hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và tham mưu cho UBND huyện lập danh sách tặng quà của trung ương, tỉnh, huyện vào các dịp lễ, tết. Phối hợp với ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân…
Nhất là, sắp tới ngày kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2023), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thường trực UBND huyện hỗ trợ tổ chức lễ kỷ niệm. Đây là dịp để các nạn nhân nhiễm CĐHH trên địa bàn ôn lại kỷ niệm, những chiến đấu vẻ vang của cha ông ta và của chính các nạn nhân bị nhiễm CĐHH, những người không tiếc thân mình đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc để rồi mang trong mình những thương tích. Kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhân dân trong thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với những nạn nhân nhiễm CĐHH và chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh để lại.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tới thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ để được nghe ông Đỗ Quốc Trụ kể về những năm tháng chiến tranh oanh liệt, cũng như những mất mát của mình do quân địch gây ra. Theo lời kể của ông, trước đây ông là bộ đội Sư đoàn 316 và trải qua nhiều chiến dịch, chiến trường như: chiến trường Thượng Lào, chiến dịch Tây Nguyên, Hồ Chí Minh, đánh trận mở màn Buôn Mê Thuột và không may bị nhiễm CĐHH. Đến năm 1977 ông chuyển về làm công nhân tại Nông trường Phong Thổ.
Kể từ đó, ông Trụ bị nhiễm CĐHH với tỷ lệ thương tật ở mắt là 41%, sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Đau đớn hơn trăm ngàn lần đó là người con của ông không may bị nhiễm CĐHH do di truyền từ bố và đã ra đi mãi mãi, để lại trong lòng ông vết thương không sao xóa nhòa.
Chia tay ông Trụ, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Long – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện hiện đang sinh sống tại thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ. Ông Long cũng là một trong những thương binh bị nhiễm CĐHH. Được biết, ông Long tham gia chiến trường Trị Thiên – Huế từ năm 1966 tới năm 1973. Sau đó trải qua nhiều đơn vị chiến đấu, đến năm 1979 ông tham gia chiến dịch biên giới và bị nhiễm CĐHH 41% và thương binh 21%. Từ đó đến nay mắt ông bị ảnh hưởng, không nhìn rõ, chân tay cũng chậm chạp, thường xuyên đau nhức, đi lại khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Long – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Phong Thổ tích cực dạy dỗ con cháu học tập để trở thành người có ích cho xã hội.
Không mặc cảm khi mình bị nhiễm CĐHH, ông luôn nỗ lực sống tốt, sống có ích cho xã hội; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; chỉ bảo con cháu học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh. Nhờ đó, 6 người con của ông đều làm công chức Nhà nước, đại gia đình ông nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa.
Các nạn nhân nhiễm CĐHH trên địa bàn huyện Phong Thổ thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, với mục đích nắm thông tin, gắn kết, từ đó cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, ông Long đã vận động và thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện do ông làm Chủ tịch. Hiện, hội có 23 hội viên, trong đó có 11 người đang được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến nhiễm CĐHH, còn lại là cựu chiến binh.
Để duy trì hoạt động và phát huy được giá trị của hội, ông Long đã phát động đóng góp quỹ với số tiền 1 triệu đồng/người/năm. Số tiền quỹ dùng để thăm hỏi, tặng quà gia đình hội viên lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc chữa bệnh.
Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn quỹ hội đã giúp đỡ được 3 hội viên vay vốn với số tiền tối đa là 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn, hoạn nạn; hàng chục lượt hội viên được thăm hỏi và tặng nhiều suất quà. Hội đã và đang từng bước phát huy được hiệu quả, là cầu nối các hội viên và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho những nạn nhân nhiễm CĐHH và thương binh trên địa bàn huyện.
Ông Lò Văn Miên – Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ cho biết: “Để tiếp tục chăm lo đời sống cho nạn nhân nhiễm CĐHH, thời gian tới phòng tiếp tục rà soát các đối tượng hiện nay chưa được hưởng các chế độ về CĐHH và tiếp tục phối hợp với các nạn nhân hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục, trình các cấp có thẩm quyền công nhận để được hưởng các chính sách dành cho nạn nhân nhiễm CĐHH. Thường xuyên nắm bắt thông tin, hỗ trợ các nạn nhân nhiễm CĐHH các chế độ chính sách của Nhà nước.
Triển khai nhiều hoạt động, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, hội, đoàn thể, nhằm giúp đỡ, động viên các nạn nhân có thêm vật chất và tinh thần, vượt lên khó khăn, hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương, các cấp, ngành phát động. Thực hiện chi trả các chế độ đúng quy định để tiếp thêm động lực cho nạn nhân nhiễm CĐHH vượt qua nỗi đau về bệnh tật, tự ti và khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.