* Đức sẽ cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine?
Theo Financial Times, ngày 14-4, Thủ tướng đắc cử Đức Friedrich Merz đã công khai bày tỏ mong muốn giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thành phố Sumy của Ukraine.
Được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu kiên cố và chiến lược, tên lửa hành trình Taurus có tầm hoạt động hơn 500km. Ảnh: Army Recognition |
Merz cũng ám chỉ đến việc chuyển giao các tên lửa hành trình tầm xa như Storm Shadow/SCALP EG của Pháp và ATACMS của Mỹ, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây sẽ giúp Ukraine giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Taurus KEPD 350, sản phẩm hợp tác giữa MBDA Deutschland của Đức và Saab Dynamics của Thụy Điển, là tên lửa hành trình phóng từ trên không có tầm bắn hơn 500km. Được trang bị hệ thống dẫn đường không phụ thuộc hệ thống GPS, đầu dò hồng ngoại và đầu đạn xuyên phá chính xác, tên lửa này được thiết kế để phá hủy các mục tiêu kiên cố như boongke, cầu và đường băng. Tên lửa có thể được tích hợp vào nhiều nền tảng máy bay, bao gồm Tornado, Eurofighter Typhoon, F/A-18 Hornet và F-15K. Thiết kế tàng hình và khả năng bay bám địa hình của tên lửa khiến hệ thống phòng không của đối phương khó phát hiện. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực cánh quạt Williams F121-WR-100 và có thể phóng từ độ cao 30-16.000m.
Taurus mang theo đầu đạn MEPHISTO nặng 481kg, cho phép kích nổ tại các thời điểm tối ưu. Hệ thống dẫn đường của tên lửa đảm bảo nhắm mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả trong môi trường không có GPS. Các tính năng này khiến Taurus trở thành một hệ thống uy lực.
* Trung Quốc phát triển bom lượn phóng từ UAV
Trung Quốc mới đây đã phát triển bộ điều chỉnh và lướt mô-đun mới cho bom lượn HuoShi 1-130. Hệ thống này được thiết kế bởi Công ty TNHH Thiết bị thông minh không người lái Hà Nam và có thể triển khai trên các phương tiện bay không người lái. Tùy thuộc vào tốc độ thả và độ cao, bom có thể lướt đi với quãng đường 6-65km.
Bộ điều chỉnh và lướt mô-đun cho bom lượn cung cấp một giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng cường khả năng tấn công không đối đất trên nhiều nền tảng, bao gồm cả máy bay không người lái. Ảnh: Telegram |
HuoShi 1-130 được trang bị ngòi nổ điện tử có thể kích nổ trên không và có đường truyền dữ liệu cho phép cập nhật tọa độ mục tiêu tự động từ các máy bay không người lái trinh sát nhỏ. Hệ thống dẫn đường được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) với định vị địa từ và quán tính.
Việc phát triển bộ điều chỉnh này của Trung Quốc có điểm tương đồng với mô-đun lượn và hiệu chỉnh thông dụng UMPK của Nga, đã được sử dụng từ đầu năm 2023 để chuyển đổi bom không dẫn đường truyền thống thành bom dẫn đường chính xác. Mô-đun UMPK bao gồm cánh và vây đuôi có thể gập lại, cho phép bom lướt trên quãng đường dài, kết hợp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để dẫn bom đến mục tiêu một cách chính xác.
* Bỉ sẽ sản xuất máy bay chiến đấu F-35 tại Italy
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Theo Francken đã chính thức đề xuất rằng các máy bay chiến đấu F-35 trong tương lai mà Bỉ đặt hàng sẽ được lắp ráp tại Cameria, Italy thay vì nhà máy chính của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas, Mỹ. Francken nhấn mạnh rằng sáng kiến này có thể tạo ra việc làm trong phạm vi châu Âu và giúp liên kết các khoản đầu tư quốc phòng của Bỉ với các mục tiêu công nghiệp và chiến lược rộng hơn của châu Âu, đảm bảo rằng Bỉ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy của NATO.
Mặc dù tỷ lệ sản xuất cụ thể không được tiết lộ công khai, Cameri FACO đã chứng minh năng lực bằng cách cung cấp chiếc F-35A đầu tiên được lắp ráp tại Italy năm 2015 và chiếc F-35B đầu tiên năm 2018. Ảnh: Lockheed Martin |
Sở dĩ có đề xuất này là vì một quyết định gần đây của Mỹ cũng cho phép đối tác mua máy bay ở châu Âu yêu cầu lắp ráp tại Cameri. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu F-35 được lắp ráp tại Italy có được coi là sản phẩm của châu Âu theo các quy tắc của EU hay không, đây là điều kiện cần thiết để đủ điều kiện chi tiêu theo các cơ chế vay do EU hỗ trợ.
Tính đến đầu năm 2025, Bỉ đã nhận được 8 máy bay F-35A được chế tạo tại cơ sở sản xuất chính của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas. Hiện tại, những máy bay này đã được chuyển đến Căn cứ Không quân Luke ở Arizona, Mỹ để đào tạo phi công và kỹ thuật viên. Những chiếc máy bay này dự kiến sẽ được chuyển đến Bỉ vào mùa thu năm nay để tham gia vào hoạt động của NATO, bao gồm cả hoạt động tuần tra trên không ở sườn phía Đông của liên minh.
Mối lo ngại về sự phụ thuộc vào Mỹ đã bao trùm trên khắp châu Âu. Đặc biệt, Đức và Bồ Đào Nha đã bày tỏ sự do dự về các đơn đặt hàng F-35 do lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào các hệ thống hoạt động và phần mềm của Mỹ. Ngày 10-3 vừa qua, Francken xác nhận rằng F-35A của Bỉ có thể hoạt động độc lập ngay cả khi không có sự hỗ trợ đầy đủ của Mỹ.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-4-trung-quoc-phat-trien-bom-luon-phong-tu-uav-249389.html
Bình luận (0)