* Thụy Điển và Phần Lan vẫn gặp khó trong tiến trình xin gia nhập NATO. Trong khi Hungary đã bày tỏ quan điểm ủng hộ thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngáng đường hai nước Bắc Âu. Theo Hungary Today, một phái đoàn nghị viện Hungary đang ở thăm Phần Lan và Thụy Điển trong những ngày gần đây với mục đích thảo luận vấn đề gia nhập NATO của hai nước. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Zsolt Németh và một nghị sĩ trong đoàn đã nhấn mạnh rằng họ sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thông tin từ phái đoàn cũng cho biết Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã sẵn sàng thảo luận thực chất với Hungary và thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của người Hungary thiểu số ở Ukraine. Việc thành lập nhóm nghị sĩ hữu nghị Hungary-Thụy Điển là một dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc đàm phán tại Stockholm đã đạt được thành công.
Trong khi đó, theo Politico, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm sẽ chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối NATO. Đại diện 3 nước đã gặp gỡ và thảo luận vấn đề liên quan vào hôm 10-3 nhưng kết quả không mấy khả quan hơn so với cuộc gặp hồi tháng 11-2022, thậm chí giờ thì hai nước Bắc Âu còn chưa hiểu rõ Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn điều gì để đổi lại cho việc nước này thông qua đơn xin gia nhập NATO của họ. Nội bộ khối NATO thì cho rằng tình trạng hiện nay liên quan đến cả những cân nhắc đối nội của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và nỗ lực mong đạt được một đòn bẩy quan trọng trong quan hệ với Mỹ.
* Rolls-Royce bắt đầu chạy thử động cơ F130 cho Không quân Mỹ tại cơ sở thử nghiệm ngoài trời thuộc Trung tâm Vũ trụ Stennis của NASA ở Mississippi. Chương trình thử nghiệm quan trọng đánh dấu lần đầu tiên động cơ Rolls-Royce F130 thử nghiệm với cấu hình động cơ khoang đôi của máy bay B-52. Mỗi máy bay B-52 có tám động cơ đặt trong bốn khoang đôi như vậy.
Hiện Rolls-Royce đang hợp tác chặt chẽ với Không quân Mỹ và Boeing, hãng sản xuất máy bay hiện đang quản lý chương trình hiện đại hóa máy bay B-52 và tích hợp động cơ tổng thể. Động cơ mới F130 được cho là sẽ kéo dài tuổi thọ của máy bay B-52 thêm 30 năm nữa.
F130 được phát triển từ dòng động cơ thương mại Rolls-Royce BR tiết kiệm nhiên liệu, có độ tin cậy cao với hơn 30 triệu giờ hoạt động đã được kiểm chứng. Tháng 9-2021, động cơ Rolls-Royce F130 đã chính thức được Không quân Mỹ lựa chọn để thay thế cho động cơ Pratt & Whitney TF33 hiện đang vận hành trên máy bay ném bom chiến lược B-52 với giá trị hợp đồng 2,6 tỷ USD. Dự kiến hãng sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt và bàn giao hơn 600 động cơ mới cho Không quân Mỹ sau khi kết thúc chạy thử.
* Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Philippines làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã ra tuyên bố cáo buộc hợp tác quân sự giữa Philippines và Mỹ sẽ “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực”. Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến thăm Philippines và có bài phát biểu cho rằng việc Philippines mở thêm 4 địa điểm (căn cứ quân sự) Mỹ sẽ được tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường EDCA sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia Đông Nam Á này.
Phản đối quan điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, tuyên bố của Đại sức quán Trung Quốc nhấn mạnh: “Tạo việc làm và cơ hội kinh tế thông qua hợp tác quân sự chẳng khác nào giải khát bằng thuốc độc… Sự hợp tác như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định khu vực… Kinh tế và thương mại không thể phát triển nếu không có môi trường hòa bình và ổn định”. Tuyên bố cũng cho rằng 4 địa điểm quân sự bổ sung cho lực lượng Mỹ tiếp cận sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hợp tác kinh tế song phương Trung Quốc-Philippines.
* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ kế hoạch mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và nhắm đến mua máy bay chiến đấu J-10C của Trung Quốc.
Theo ông Cagri Erhan, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và an ninh của Tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ đề xuất mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16C/D từ Mỹ. Theo kế hoạch trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến dành “gói chi tiêu trị giá 20 tỷ USD” để mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 của Mỹ nhưng hiện nay đã có một số lựa chọn hiệu quả hơn về chi phí, đặc biệt là khi mua J-10C của Trung Quốc. Ông cho biết: “Hiện có thêm các lựa chọn khác như J-10C của Trung Quốc đã được Pakistan mua trước đây, hay một số chiến đấu cơ của Nga và Eurofighter”.
Tháng 2-2022, Pakistan bắt đầu nhận chiến đấu cơ J-10C từ Trung Quốc. Đây là một mẫu máy bay chiến đấu có cùng tải trọng với F-16 nhưng có thiết kế hiện đại hơn vài thập kỷ và có nhiều lợi thế quan trọng về hiệu suất bay và đặc biệt là vũ khí. Giống như F-16 Block 70/72, J-10C là máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ, chi phí vận hành thấp, được trang bị hệ thống điện tử hàng không thế hệ thứ năm có cải tiến. Chiến đấu cơ này còn có ưu điểm là khả năng tác chiến và tính năng ở hầu hết các khía cạnh khác là tương đương và vượt trội so với F-16 nhưng yêu cầu bảo trì lại thấp hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước ngoài Mỹ sử dụng F-16 lớn nhất với khoảng 250 chiếc đang hoạt động. Kế hoạch mua sắm mới trị giá 20 tỷ USD là nhằm hiện đại hóa năng lực không quân và đội bay F-16 đang chuyển dần sang giai đoạn già cỗi.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)