Một góc chợ rau ở Quảng Điền – nơi người tiêu dùng vẫn còn “tin” về rau sạch. Ảnh: Võ Nhân
|
Bằng sự hiện diện xem chừng đã trở nên điềm nhiên của mình, chất tạo mướt cho rau, dư lượng thuốc trừ sâu trên rau cỏ, chất chống mối mọt trên lương thực, chất tạo nạc trong heo siêu nạc, chất làm tươi thịt bẩn, các loại phụ gia độc hại không rõ xuất xứ không khó tìm ở các chợ từ thành thị đến nông thôn, những thứ quả chín ép vì được nhúng hóa chất, những thứ quả để đến hàng tháng trời mà vẫn nguyên dạng…đã làm cho con người dần trở nên nghi ngại với mọi thứ xung quanh mình hơn. Không ai có thể đem lại một sự chắc chắn nào, cho dù thật sự họ mong muốn có điều đó.
Tôi nhặt ra trong rất nhiều câu chuyện về rau sạch, thịt sạch, thức ăn sạch…dạng của nhà trồng được. Nhưng có vẻ như dạng của nhà trồng được, hay là được sản xuất, canh tác ở một hay những trang trại nào đó cũng chỉ là một phần còn quá bé nhỏ trong nhu cầu của số đông trong ngày thường. Cũng cần phải nói thêm là không phải ai cũng có cơ hội để tiếp cận với các sản phẩm thông thường nay gần như đã trở thành đặc sản này. Điều này dĩ nhiên được quy định bởi thu nhập, môi trường và phần nào đó là sự chấp nhận. Tôi cũng nghe được từ đâu đó, thấy được từ đâu đó và đọc được từ đâu đó việc người ta nuôi cả đàn lợn để bán và nuôi riêng một vài con cho mình và những người gần gũi mình để ăn; chuyện người nông dân trồng rau để bán và trồng riêng cho gia đình mình một vài luống rau, chuyện nhặt sâu “làm mặt” với khách hàng, chuyện những chai nước chấm quá nhiều dư lượng đạm, chuyện những nhà hàng, quán xá không đảm bảo khâu chế biến, chuyện những quán cơm bao no… Những câu chuyện này nhiều đến nỗi, dày đến nỗi mỗi khi trở về với bữa cơm gia đình, cứ giật mình thon thót khi không biết trong những thứ đã được nấu, đang được ăn có gì mà mình không thể biết?
Tôi cũng nghĩ về một kiểu tư duy quẩn quanh. Thì liệu con gà của nhà anh này, con heo nhà chị kia, vạt rau theo kiểu tự cung tự cấp nhà bác nọ có đủ cho tất cả mọi nhu cầu hàng ngày của một gia đình? Liệu họ không mua những thứ khác để chế biến? Liệu có thể dùng phương thức đổi chác xa xưa để đảm bảo rằng, lương thực, thực phẩm mình đang có là an toàn? Có gì để kiểm chứng ngoài việc tạm tin là như thế? Sự vận động của cuộc sống và các phương thức mua bán, trao đổi của nó đa dạng đến mức không giới hạn, nên dĩ nhiên là không ai có thể và có thể được một cách dài lâu về một sự khu trú trong trao đổi. Thế nên, nguy cơ vẫn là nguy cơ. Rủi ro vẫn là rủi ro nếu bất cứ một ai đó chỉ biết lo phần mình và không nghĩ đến an toàn cho người khác – kiểu an toàn mà lâu nay, người ta đã nâng tầm nó lên thành an ninh thực phẩm ở cấp quốc gia và cấp toàn cầu.
Trong một số cuộc trao đổi, làm việc, những người có trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm nói rằng, chỉ có thể kiểm tra, giám sát được thực phẩm, gia súc, gia cầm… trên địa bàn. Và mặc dù được trấn an rằng, chưa phát hiện các loại rau chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phun thuốc hay chất tạo nạc trên các đàn heo đang có ngay tại địa phương, tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi theo thông tin mới được cập nhật, đàn trâu, đàn bò, đàn lợn và đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh năm qua đều tăng từ 1,9% đến 7% nhưng chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, sản lượng trâu bò hơi nhập ngoại tỉnh xấp xỉ bằng sản lượng trâu bò hơi nuôi xuất chuồng; sản lượng thịt lợn hơi nhập bằng 50,7% thịt lợn hơi nuôi xuất chuồng; thịt gà hơi nhập bằng 69% thịt gà hơi xuất chuồng.
Ngày mai tôi vẫn đi chợ. Nhưng chắc chắn là tôi không rõ mình mang những gì về bữa cơm gia đình.