Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thu hút sự chú ý của thế giới kể từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, mọi thứ đã có dấu hiệu thay đổi vào ngày 7/10 khi Hamas bất ngờ tấn công Israel.
Dư luận thế giới tập trung vào cuộc xung đột không ngừng leo thang mỗi ngày, với hàng nghìn người thiệt mạng chỉ sau hơn 1 tháng nổ ra chiến sự.
“Chúng tôi đã nhận được đủ sự chú ý từ phương Tây để có thể khiến Nga thất bại và đột nhiên cuộc xung đột Israel-Hamas xuất hiện. Chúng tôi cần thêm nguồn cung, chúng tôi cần thêm vũ khí”, một quân nhân có biệt danh Hound nói với báo Mỹ Daily Beast.
Các binh sĩ Ukraine nói với Daily Beast rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang nơi khác khiến cuộc chiến chống lại Nga của Kiev có thể sẽ bị trật bánh và dẫn tới việc Moscow đạt được lợi thế.
Theo quân nhân có biệt danh Spenser, dù Ukraine vẫn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các đối tác, nhưng vì cuộc xung đột ở Trung Đông, quy mô viện trợ có thể sẽ ít hơn nhiều, và chiến sự có thể tiến đến Lviv, miền Tây Ukraine.
“Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ và các nước khác, chúng tôi sẽ buộc phải rút lui trên tiền tuyến”, anh nói thêm.
Hound đã phục vụ trong quân đội Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, và anh đã chứng kiến sự thay đổi của cuộc xung đột.
“Tình trạng này khiến quân đội Ukraine lo lắng vì có thể xảy ra trường hợp thiếu nguồn cung. Chúng tôi vẫn còn phụ thuộc vào phương Tây, chúng tôi không thể sản xuất đủ hệ thống vũ khí, đạn dược cho một cuộc xung đột quy mô lớn như hiện nay”, Hound thừa nhận.
Tình hình Trung Đông leo thang dồn dập có thể khiến Mỹ và các nước phương Tây phải cân nhắc các ưu tiên giữa 2 cuộc chiến.
Một binh sĩ có biệt danh Alex cho biết, trong kịch bản Nga mở một cuộc tấn công quy mô lớn, sự chú ý của thế giới có thể sẽ dồn lại về phía Ukraine.
Việc Ukraine nhận được ít sự hỗ trợ hơn sẽ mang lại bất lợi lớn cho Kiev trong bối cảnh Nga đang dồn lực sản xuất quốc phòng.
Trong khi đó, một binh sĩ biệt danh Bartender nói với Daily Beast rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể ảnh hưởng tới cục diện chiến sự tương lai. Anh và nhiều đồng đội lo ngại nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nguồn viện trợ cho Ukraine có thể sẽ giảm, thậm chí bị ngắt quãng.
“Nếu điều đó xảy ra thì nó thật tồi tệ”, anh thừa nhận, cho rằng tâm lý mệt mỏi vì chiến sự ở Ukraine dường như đã xuất hiện.
Trước đó, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh quan điểm rằng ông muốn chấm dứt việc Nga và Ukraine đổ máu và ông tin mình có thể làm trung gian để cuộc chiến khép lại.
Tuần trước, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny thừa nhận rằng cuộc xung đột với Nga đang trong thế bế tắc. Tổng thống Zelensky đã bác bỏ nhận định này.
Ông Zelensky vẫn thể hiện quyết tâm chiến đấu tới cùng để giành lại lãnh thổ Nga kiểm soát, vì theo ông, nếu chiến sự ngừng trệ, Moscow sẽ có thêm thời gian để tái trang bị lực lượng và Kiev sẽ càng gặp khó khăn nhiều hơn.
Sự kiên quyết của ông Zelensky đến trong bối cảnh các cuộc phản công ở miền Nam Ukraine vẫn chưa đạt được bước đột phá, trong khi Nga vẫn tăng cường tấn công vào mặt trận miền Đông.