Năm ngoái, cẩm nang Michelin Guide ra mắt lần đầu tại Việt Nam cũng nhận được sự chú ý lớn từ dư luận, đi kèm với đó là nhiều ý kiến đồng tình lẫn không đồng tình với các cơ sở ăn uống được vinh danh ở các hạng mục.
Năm nay, danh sách Bib Gourmand được công bố trước một tuần khi lễ công bố chính thức của toàn bộ cuốn cẩm nang Michelin Guide Việt Nam diễn ra, cũng nhanh chóng được bàn tán xôn xao.
Tranh cãi về hương vị món ăn đã đành, bởi mỗi người mỗi khẩu vị khác nhau, và Michelin Guide cũng phần nào thiên về yếu tố tham khảo dành cho khách du lịch đến Việt Nam.
Thế nhưng với Bib Gourmand, người ta lại có thêm thắc mắc về giá cả của các quán ăn, nhà hàng được chọn, bởi đây vốn là hạng mục để vinh danh các quán ăn ngon với giá cả hợp lý.
Theo Michelin Guide, danh sách các cơ sở ăn uống Bib Gourmand được cộng đồng sử dụng Michelin Guide theo dõi “nhằm tìm kiếm những bữa ăn ngon với giá cả phải chăng mà vẫn đảm bảo chất lượng cũng như hương vị”.
Trong số nhiều ý kiến không đồng tình với danh sách Bib Gourmand năm nay, có người cho rằng nhiều quán có giá “trên trời” nhưng chất lượng lại không tương xứng, đồng thời cũng có quán ngon nhưng giá cả lại cao, không thể xem là “phải chăng” được.
Vậy chính xác “mức trần” cho một quán ăn Bib Gourmand ở Việt Nam là bao nhiêu?
400.000 đồng một bữa ăn
Theo một bài viết của Michelin Guide đăng hồi tháng 5 năm ngoái, từ năm 1997 đến nay, Bib Gourmand là danh hiệu được trao cho các nhà hàng, quán ăn có chất lượng tốt với mức giá hợp lý.
“Mức giá hợp lý” này được tính dựa trên một bữa ăn ba món gồm khai vị, món chính, tráng miệng.
Giới hạn giá để một quán ăn được cân nhắc cho danh hiệu Bib Gourmand sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia và tùy thuộc vào mức sống ở nơi đó.
Cụ thể ở Việt Nam, một nhà hàng có giá một bữa ăn ba món như trên trong khoảng 400.000 đồng đổ lại sẽ là điều kiện để xem xét cho Bib Gourmand, theo Michelin Guide.
Tương tự, mức giá này ở Thái Lan là 1.000 baht (khoảng 693.000 đồng).
Tuy nhiên, Michelin Guide khẳng định các thanh tra viên của họ đặt tiêu chí chất lượng như nhau, bất kể là ở đâu trên thế giới.
“Điểm chung của các nhà hàng Bib Gourmand là phong cách nấu ăn đơn giản hơn, dễ nhận biết và dễ ăn. Một nhà hàng Bib Gourmand cũng sẽ cho bạn cảm giác hài lòng vì được ăn rất ngon với mức giá hợp lý”, Michelin Guide viết.
Sao lại có cá trong bún bò vậy, Michelin Guide?
Michelin Guide không tiết lộ cách họ chấm điểm các cơ sở ăn uống, cũng như các thanh tra viên là ai, khi nào họ đến ăn và thẩm định…
Điều này phần nào gây thắc mắc cho công chúng, bởi người ta không biết vì sao quán ăn đó được chọn, rồi thanh tra viên có hiểu hết văn hóa ẩm thực địa phương không để mà đánh giá.
Khi danh sách Bib Gourmand ở TP.HCM năm nay được công bố, nhiều người đã “kêu gào” khi có quá ít tiệm cơm tấm, hủ tiếu được chọn, hay thậm chí bánh mì là một trong những món nổi tiếng nhất của thành phố cũng không thấy bóng dáng đâu.
Buồn cười hơn nữa là trong phần miêu tả về quán bún bò Huế 14B – gương mặt mới trong Bib Gourmand năm nay, website của Michelin Guide ghi “This take-out only stall specialises in noodle soup topped with sliced beef, beef tendon and fish fillet”.
Câu này tạm dịch là “Quầy hàng chỉ bán mang đi này chuyên phục vụ món bún với thịt bò thái lát, gân bò và phi lê cá”. Phi lê cá? Khỏi phải nói cũng biết dân ghiền bún bò sốc đến độ nào.
Theo ảnh chụp tô bún bò của quán, ta có thể đoán được cái gọi là “phi lê cá” kia có thể là miếng chả cây ăn kèm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quan-ngon-gia-re-kieu-michelin-guide-400-000-dong-mot-bua-an-phi-le-ca-co-trong-bun-bo-2024062414331087.htm