Quản lý tài nguyên cát sông
Cát sông – loại khoáng sản phục vụ xây dựng đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm do những năm gần đây mặt hàng này liên tục tăng giá và khan hàng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xảy ra trên địa bàn tỉnh là mặc dù loại khoáng sản này đang có nhu cầu tiêu thụ cao, trên địa bàn tỉnh có nhiều mỏ cát sông với trữ lượng lớn, nhưng việc khai thác đưa vào sử dụng lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cát sông đang rất cần thiết để phục vụ xây dựng các công trình, dự án trong tỉnh (Sử dụng cát sông để san lấp xây dựng đường giao thông tại thành phố Hưng Yên) |
Bài 1:
Nhu cầu tăng mạnh, trữ lượng còn, nhưng khai thác khó khăn
Thực tế nhu cầu sử dụng cát cho các dự án trên địa bàn tỉnh là rất lớn, trung bình mỗi năm cần trên 10 triệu m3 cát san lấp mặt bằng. Theo đánh giá của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 cho các dự án trong tỉnh là hơn 16,2 nghìn héc-ta, chủ yếu là các khu, cụm công nghiệp, đô thị, nhà ở, giao thông và một số công trình trọng điểm khác. Căn cứ vào đó, nhu cầu cát để phục vụ san lấp trong giai đoạn này tương đương 113 triệu mét khối.
Hiện nay, nhiều dự án giao thông, dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của tỉnh đang được gấp rút triển khai thi công, kéo theo đó là nhu cầu cao về vật liệu xây dựng san lấp. Trong khi việc vận chuyển vật liệu từ các địa phương khác về gặp nhiều khó khăn và chi phí cao đã khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án.
Ông Vũ Văn Bình, chủ doanh nghiệp thi công công trình xây dựng tại huyện Văn Giang cho biết: Để bảo đảm nguồn cung vật liệu, ngay từ khi triển khai thi công dự án, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với chủ các mỏ khai thác, các bến, bãi, để có nguồn cung ổn định. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn cát san lấp, lượng cát cung cấp được ngay tại địa bàn tỉnh ít và giá cao đã làm chậm tiến độ thi công nhiều công trình của doanh nghiệp.
Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án, ngày 18/7/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ban hành kèm theo Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh. Cùng với sửa đổi, bổ sung quy định, hiện nay, các đơn vị được cấp phép khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh được phép khai thác cát cả trong mùa mưa bão khi mực nước sông Hồng ổn định, không có báo động lũ từ cấp I trở lên.
Nhưng trái với những kỳ vọng của các nhà thầu thi công dự án và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, việc khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử là trường hợp Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quảng Bình (Công ty Quảng Bình). Công ty được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3124/GP-UBND ngày 8/12/2018 và gia hạn tại Giấy phép số 250/GP-UBND ngày 21/1/2021, cho phép khai thác cát tại xã Đông Ninh (Khoái Châu). Ngày 7/3/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai nội dung giấy phép và kiểm tra thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng phạm vi khu vực được phép khai thác cho công ty nhưng chưa bàn giao được mốc giới ngoài thực địa vì có nhiều người dân tập trung phản đối, lo ngại về ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở đất canh tác của Nhân dân. Ngày 8/12/2020, Giấy phép khai thác khoáng sản số 3124/GP-UBND đã hết hạn nhưng công ty vẫn chưa được sự đồng thuận của Nhân dân.
Ngày 21/1/2021, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn tại Giấy phép số 250/GP-UBND cho Công ty Quảng Bình, với thời hạn 2 năm và yêu cầu công ty phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ dự án và khi có đồng thuận của Nhân dân khu vực dự án mới được bàn giao mốc giới ngoài thực địa và tiến hành khai thác. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mỏ cát này vẫn chưa được khai thác. Sau nhiều lần tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân, hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn xã Đông Ninh vẫn trong tình trạng bế tắc. UBND tỉnh đã cấp và gia hạn giấy phép với tổng thời gian là 4 năm để công ty có thời gian tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ dự án nhưng công ty vẫn không thực hiện được. UBND tỉnh đã có Quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 27/10/2022, trong đó đưa mỏ cát sông trên địa bàn xã Đông Ninh (Khoái Châu) vào khu vực đấu giá. Ông Ninh Văn Việt, thành viên góp vốn của Công ty Quảng Bình cho biết: “Trong nhiều năm liền, mặc dù chúng tôi đã đầu tư nhiều cả về chi phí, công sức, thời gian để doanh nghiệp có thể hoạt động khai thác mỏ cát sông trên địa bàn xã Đông Ninh. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn chưa thể khai thác tại mỏ cát này, doanh thu từ khai thác cát không có, khó khăn chồng chất, công ty phải đối mặt với những rủi ro tài chính khi làm ăn thua lỗ”.
Cát sông khan hiếm và tăng giá, nhiều doanh nghiệp xây dựng trong tỉnh gặp khó khăn (Vận chuyển cát sông phục vụ san lấp mặt bằng ở huyện Kim Động) |
Ngoài Công ty Quảng Bình, không ít doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác cát sông. Nguyên nhân chủ yếu là do quy trình để một mỏ cát sông được cấp phép, đi vào khai thác cần nhiều thủ tục, thời gian kéo dài và sự thiếu đồng thuận của một số người dân địa phương.
Vi Ngoan
(Còn tiếp)