Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:
Quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu được dùng hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định như sau: Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia;
Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 hằng năm để được xét duyệt hỗ trợ.
Hội đồng EPR quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua các đề nghị hỗ trợ tài chính của cơ quan, tổ chức và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định và các đề nghị hỗ trợ tài chính theo đề nghị của Hội đồng EPR quốc gia;
Tổ chức được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện thông báo và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính;
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.
Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích (chỉ hỗ trợ cho các hoạt động tái chế). Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế hằng năm trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Thông tư này sẽ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng khoản tiền này hiệu quả và phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Xử lý hành vi vi phạm đóng góp tài chính
Cũng theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm tái chế theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.