PV: Trong những năm qua do tác động của biến đổi khí hậu nên nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng suy giảm. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này ?
Ông Lê Trọng Yên: Tỉnh Đắk Nông xác định việc phát triển nông nghiệp là trọng điểm góp phần rất quan trọng giúp nền kinh tế của tỉnh ngày một đi lên. Tuy nhiên, để cây trồng phát triển ổn định và có năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nguồn nước là rất quan trọng. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng đã và đang được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cùng ngành Nông nghiệp tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng đầu tư cũng như liên tục tìm ra các giải pháp để đảm bảo phục vụ phát triển nông nghiệp
Hiện tại, tỉnh Đắk Nông có hơn 252 hồ, đập với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu mét khối nhưng hiện tỉnh vẫn đang phải đối diện với nguy cơ hạn hán cao. Tình trạng biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho công tác quản lý bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đến nay, đơn vị đang quản lý, vận hành, khai thác tổng cộng 252 công trình thủy lợi. Trong đó, có 209 công trình là hồ chứa, 25 đập dâng, 9 hệ thống trạm bơm, 7 hệ thống kênh tiêu và 2 công trình khác.
Trong đó, thách thức lớn nhất của tỉnh Đắk Nông là công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các nguồn tài nguyên nước trên địa bàn. Bởi hiện nay, nguồn nước tại nhiều vùng, nhiều địa bàn ngày càng trở nên suy giảm. Điển hình như các trạm bơm dọc sông Krông Nô đang đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Nhiều tuyến sông, suối ở địa phương cũng cạn dần nguồn nước do biến đổi khí hậu. Điều này dẫn tới nguồn nước cung cấp cho các công trình thủy lợi ngày càng ít dần. Nhiều năm vào mùa khô lượng mưa rất ít. Các công trình thủy lợi vì thế tích trữ nước ít hơn…
PV: Như ông cha có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của nguồn nước đối với phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông?
Ông Lê Trọng Yên: Trong phát triển nông nghiệp, nước là giá trị tiên quyết và gần như quyết định được sự thành bại của một năm sản xuất của người dân. Theo thống kê trong năm 2022, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt trên 15.045 tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 1.727 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 5,21%, mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 82%, đạt 100% kế hoạch.
Để có được kết quả đó, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai; đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông còn triển khai thực hiện đúng theo quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành phòng, chống thiên tai và thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng đa chức năng.
Theo số liệu thống kê, hàng năm, diện tích các loại cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước là khoảng từ 3.000 – 12.000 ha. Trong đó, cây trồng lâu năm như cà phê, tiêu, chiếm từ 80-90% tổng diện tích ảnh hưởng, còn lại là lúa, hoa màu. Trong đó, Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil và một số xã thuộc vùng biên giới đều chịu ảnh hưởng rất lớn. Để giúp các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Đắk Nông quan tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng tại một số địa bàn có nguy cơ cao về hạn hán, thiếu nước.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đăk Nông sẽ tập trung triển khai thực hiện 51 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng tại một số địa phương. Cụ thể, tại huyện Đắk Song là 6 hồ chứa, Đắk Glong là 20 hồ chứa, Tuy Đức là 6 đập dâng và huyện Krông Nô 4 hồ chứa đều phải sửa chữa, nâng cấp.
PV: Để đảm bảo nguồn tài nước giúp người dân an tâm phát triển nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo, tỉnh Đắk Nông có những kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài ra sao?
Ông Lê Trọng Yên: Hiện nay, năng lực cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được 26% diện tích sản xuất có nhu cầu nước tưới. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng đã lâu, nên đã hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm hiệu quả phục vụ sản xuất. Do đó, tỉnh Đắk Nông hiện đang tiếp tục quy hoạch phát triển hạ tầng thủy lợi một cách bài bản. Trong đó, địa phương chú trọng phát triển các hồ chứa lớn; đồng thời, rà soát để nâng cấp, cải tạo các hồ đập nhỏ hiện có.
Theo đánh giá, tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 21.700ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Cụ thể, có 17.623ha cà phê và hồ tiêu, 1.033ha cây điều, 3.019ha cao su. Theo phương án, trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện tích hơn 8.500ha. Trong đó, chuyển đổi 6.252ha cây cà phê, 950ha hồ tiêu, 291ha cây điều và 1.041ha cao su trồng tại các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới sang trồng các loại cây ăn trái khác, số diện tích đất còn lại sẽ tiến hành chuyển đổi giai đoạn sau năm 2030.
Để ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cho Sở NN&PTNT phối hợp với công ty khai thác công trình thủy lợi tích trữ nguồn nước tại các hồ đập thủy lợi, lên phương án dẫn dòng, bơm chuyển, điều tiết nước giữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng cảu người dân khi xảy ra hạn hán. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích sản xuất ngoài quy hoạch, người dân cần sử dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, không nên lãng phí, đảm bảo nguồn nước tưới.
Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước trong phát triển nông nghiệp, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn vay ODA vào đầu tư các dự án tiêu úng, tiêu thoát lũ; xây dựng, nâng cấp hồ chứa, các dự án giao thông… có quy mô và kinh phí đầu tư lớn. Đối với ngân sách địa phương, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công trình như: kè kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở…; đồng thời, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!