Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (TNN) ngày càng đa dạng, sôi động và phức tạp hơn. Nhằm bảo vệ, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn TNN, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn quan tâm, phối hợp với ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Hoạt động tiêu úng tại Trạm bơm tiêu Đồng Ngâu, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân).
Nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc, như: sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Yên… nên tỉnh ta có tiềm năng nước mặt lớn. Cùng với đó, nguồn nước ngầm cũng phong phú về trữ lượng và chủng loại. Các nguồn nước trên đang được khai thác, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như: nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, giao thông vận tải thủy, bảo vệ đời sống động vật hoang dã, bảo tồn cảnh quan sông nước… Với tiềm năng, trữ lượng lớn, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn TNN, cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở TN&MT ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nguồn TNN. Tính riêng trong năm 2022, các đơn vị chức năng của Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về TNN đối với 10 tổ chức có hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản các đơn vị, tổ chức đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về TNN và giấy phép được cấp; có ý thức trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và đầu tư, nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nhiều đơn vị đã đầu tư hệ thống công trình nhằm xử lý triệt để chất lượng nước thải đạt quy chuẩn để tuần hoàn sử dụng cho các mục đích khác nhau, tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường; bổ sung, lắp đặt thiết bị quan trắc, lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT theo quy định của Luật TNN…
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chức năng của Sở TN&MT đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện công tác đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Kết quả đo triều mặn đã bổ sung chuỗi số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản TNN, tính toán dự báo xâm nhập mặn phục vụ công tác chống hạn. Kết quả thực đo cũng được gửi tới các ngành, địa phương liên quan trong tỉnh để có kế hoạch khai thác, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cấp phép hoạt động TNN cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, ngành đã thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 45 giấy phép hoạt động TNN; chấm dứt hiệu lực 6 giấy phép khai thác và sử dụng nước, trong đó có 5 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 1 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do chủ giấy phép không có nhu cầu tiếp tục sử dụng. Tổ chức thực hiện cắm 393 mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên 18 đoạn sông, góp phần nâng tổng số mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm trong toàn tỉnh theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND của UBND tỉnh lên 1.125 mốc trên 41 đoạn sông, suối đã phê duyệt.
Cùng với những hoạt động trên, Sở TN&MT đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Điều tra cơ bản TNN đối với các nguồn nước nội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá sức chịu tải của các hệ thống sông lớn tỉnh Thanh Hóa”. Thực hiện Dự án “Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”; lập Đề cương nhiệm vụ “Lập danh mục, phê duyệt và thông báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh”;…
Từ vai trò, ý nghĩa của nguồn TNN, Sở TN&MT xác định thực hiện mục tiêu bảo vệ, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn TNN cũng như nâng cao hơn nữa việc chấp hành pháp luật TNN luôn là nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện nền kinh tế – xã hội không ngừng phát triển. Đại diện lãnh đạo Phòng TNN, Sở TN&MT cho biết, hiện Phòng TNN đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân, người dân; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội; tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc làm này sẽ chưa đủ nếu thiếu sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, mỗi tổ chức, cá nhân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trước sự tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay.
Bài và ảnh: Phong Sắc