62/63 tỉnh đã trích ngân sách để hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ngày 17/1, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2023, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới cấp xã. Có 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
“Phải giao chỉ tiêu cụ thể thì mới nỗ lực thực hiện được, chứ nói chung chung thì rất khó”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ và dẫn chứng thêm: Trong năm qua, 22/63 địa phương (có điều kiện) đã trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo ông “đây cũng là 1 cách làm cần nhân rộng” và cho biết, 62/63 tỉnh cũng đã trích ngân sách để hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế…
Cùng với đó, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,92%, vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35%, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân toàn dân.
Bên cạnh đó, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đạt 472,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu. Đây là tỉ lệ thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây…
Quản lý quỹ chặt chẽ, bảo đảm người dân được thụ hưởng kịp thời
Về định hướng triển khai công tác năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh yêu cầu phải “quản lý quỹ chặt chẽ, bảo đảm người dân được thụ hưởng kịp thời”.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị BHXH bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác, làm cơ sở triển khai trong toàn ngành.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong tổng kết và xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thực hiện các giải pháp hiệu quả để giảm số tiền chậm đóng.
Giải quyết, chi trả đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ các quyền lợi của người tham gia; tăng cường chất lượng, hiệu quả giám định bảo hiểm y tế và giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng trong thanh toán bảo hiểm y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đúng quy định, bảo đảm an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; …
Các bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về khám bệnh, chữa bệnh, lao động… liên thông, chia sẻ với cơ quan bảo hiểm xã hội và đảm bảo tính pháp lý, toàn vẹn của dữ liệu được liên thông, chia sẻ tạo thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch điện tử nhằm tăng cường tính chính xác, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác quản lý người đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành bảo hiểm xã hội trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Đồng thời, đưa các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế vào nghị quyết, chương trình hành động, xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.