ANTD.VN – Thanh tra Chính phủ chỉ ra những lỗ hổng trong công tác quản lý mặt hàng xăng dầu của Bộ Công Thương như: để doanh nghiệp mua bán xăng dầu trái quy định, không nhập khẩu xăng dầu như hạn ngạch được phân giao…
Doanh nghiệp đầu mối phải nhập khẩu, dự trữ xăng dầu đúng quy định |
Mua bán xăng dầu trái quy định
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra xăng dầu, Công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp uỷ quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu;
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ủy quyền cho các công ty con thuộc Tập đoàn được thực hiện ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 4.469.821 m3, các Công ty cổ phần của Petrolimex bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 6.266.301 m3;
Các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng cũng bán xăng dầu cho Công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các thương nhân phân phối khác;
Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư – CTCP (PETEC)- Công ty con của PVOil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOil; các Công ty con của PVOil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác là 131.162 m3/tấn;
Các Công ty con của Công ty TNHH Petro Bình Minh mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các Công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 82.673 m3/tấn xăng dầu, bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối và các Công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 36.806 m3/tấn, mua bán xăng dầu với nhau với số lượng 278.168 m3/tấn xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.
Doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu theo quy định
Đối với việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao.
Theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhưng Bộ Công Thương không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý;
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán bị lỗ hoặc khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã dừng không nhập khẩu xăng dầu.
Trong số này, Công ty TNHH Petro Bình Minh, từ năm 2018 đến hết năm 2021 và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh, từ năm 2019 đến hết năm 2021 đều không thực hiện nhập khẩu. Đến cuối năm, các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu báo cáo Bộ Công Thương xin điều chỉnh.
Đáng chú ý là mặc dù, các văn bản của thương nhân đầu mối không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định, nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.
Theo Thanh tra Chính phủ, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương nên một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại.
Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết.
Cụ thể năm 2022, Bộ Công Thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối nhập khẩu trong quý II- 2022 với tổng sản lượng là 2.400.000 m3 xăng dầu tại Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022, nhưng có 09/10 thương nhân đầu mối nhập thiếu 589.035 m3 xăng; 06/10 nhập thiếu 628,637 tấn dầu.
“Vì vậy mà trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu”- Kết luận nêu.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm, từ ngày 1-1-2017 đến ngày 31-12-2021, có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị, còn 26 thương nhân đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.
Về việc thực hiện kinh doanh xăng dầu của thương nhân dầu, việc ký hợp đồng giao đại lý, hợp đồng mua bán xăng dầu được quy định tại Thông tư số 38/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-6-2022, nhiều thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… ký hợp đồng giao đại lý, hợp đồng mua bán xăng dầu, nhưng nội dung hợp đồng quy định lỏng lẻo, sai quy định;
Một số thương nhân đầu mối ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ nhưng không quy định mức phí, không thu phí…; ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với các cửa hàng chưa được cấp Giấy chứng nhận đại lý bán lẻ xăng dầu…
Thanh tra Chính phủ kết luận, các bên thiếu cam kết trách nhiệm về sản lượng xăng dầu cung cấp, sản lượng xăng dầu tiêu thụ theo tiến độ; về nghĩa vụ, quyền lợi liên quan…
Khi phát sinh tranh chấp về trách nhiệm cung cấp, phân phối xăng dầu, tiền chiết khấu được hưởng… các bên không có cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, từ đó nhiều cửa hàng tự ý không nhập xăng dầu về để bán vì chiết khấu thấp, thậm chí bằng 0; việc cung cấp, phân phối xăng dầu bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng…