Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội hướng tới 2 mục tiêu: xây dựng “đô thị xanh” và trở thành “thành phố xanh”. Điều này đặt ra yêu cầu, nhận thức đầy đủ về quản lý hệ thống không gian xanh (HTKGX) trong phạm vi địa giới hành chính toàn TP.
Chưa đạt mục tiêu quy hoạch
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ TP Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát: đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030 trở thành thành phố xanh – thông minh – hiện đại; đến năm 2045 là TP phát triển toàn diện bền vững. Như vậy, Nghị quyết đã xác định: “đô thị xanh” mới là bước khởi đầu để Hà Nội hướng tới trở thành “thành phố xanh” và “thành phố phát triển toàn diện bền vững”.
Mới đây, tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về hai quy hoạch lớn của Hà Nội là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đã nhấn mạnh nhiều đến yếu tố “xanh”, gồm: không gian xanh; giao thông xanh; công viên cây xanh; xây dựng mô hình quận xanh; hành lang xanh; nêm xanh; thảm xanh để tăng diện tích đất xanh; xanh hóa ở khu vực nội đô lịch sử; phát triển đô thị theo mô hình xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc; tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.
Trên thực tế, xác định hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ theo quy hoạch là tiêu chí hợp phần quan trọng để TP đạt mục tiêu xây dựng “đô thị xanh” (cùng với công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh và sạch, chất lượng môi trường xanh, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường).
Từ năm 2014, Hà Nội đã có Quyết định số 1495/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song đến nay đã trải qua 2/3 chặng đường, việc triển khai quy hoạch chưa đạt yêu cầu, mới hoàn thành khoảng 1/3 khối lượng so với mục tiêu quy hoạch đề ra.
Cụ thể, tại khu vực đô thị, số lượng các công viên đã hoàn thành và đang thực hiện theo quy hoạch đến nay mới đạt 9/25 công viên (đạt khoảng 36%); tổng diện tích đất các công viên, vườn hoa đã hoàn thành đến nay mới được 400ha/947ha (đạt khoảng 42%).
Tại các khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn thuộc huyện xa trung tâm hầu như không được đầu tư và phát triển thêm diện tích đất công viên đạt quy mô cấp đô thị, chỉ một số ít có bố trí khu vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em với quy mô nhỏ.
Còn tại khu vực các huyện, diện tích đất xây dựng công viên vườn hoa còn rất khiêm tốn, nhất là các huyện phía Đông và phía Nam TP như Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín… gần như không được đầu tư xây dựng hệ thống công viên tại các khu vực nằm trong khu vực phát triển đô thị của TP trung tâm và tính chất, chức năng sử dụng đất chủ yếu là đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Hà Nội có số lượng ao hồ nhiều, diện tích ao hồ lớn so với các đô thị trong cả nước. Hiện nay trên địa bàn 12 quận có khoảng 111 hồ, ao với tổng diện tích khoảng 1.146ha (tỷ lệ diện tích hồ đạt khoảng 8,62% tổng diện tích đất đô thị).
Tại khu vực ngoại thành, địa hình trũng thấp nên rất nhiều hồ, ao. Mạng lưới sông chính bao gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét,… Mặc dù có nhiều sông, nhưng tất cả những con sông đều chưa đóng vai trò là hành lang cảnh quan, không gian công cộng hay công viên ven sông phục vụ người dân Thủ đô.
Về công tác quản lý hệ HTKGX của TP Hà Nội, mới đề cập đến quản lý không gian xanh trong khu vực nội thành, nội thị. Còn đối với khu vực nông thôn, các không gian xanh như hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh là khu vực đặc thù ở địa phương, đồng thời chiếm đến 70% diện tích tự nhiên toàn TP song quy hoạch còn mang tính trừu tượng, định tính và chưa xác định rõ về mục tiêu quản lý, về tính chất, chức năng và do nhiều cơ quan chuyên môn cùng tham mưu đề xuất quản lý, như: Sở Xây dựng; Sở NN&PTNT; UBND cấp huyện,…
Tiếp cận quản lý không gian xanh toàn thành phố
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội hướng tới hai mục tiêu: xây dựng “đô thị xanh” và trở thành “thành phố xanh” (cùng với các xu hướng mới, như: tăng trưởng xanh, đô thị thông minh bền vững,…). Do đó rất cần đặt ra các yêu cầu, nhận thức đầy đủ về quản lý HTKGX trong phạm vi địa giới hành chính toàn TP.
Hà Nội là vùng đô thị lớn được cấu thành bởi 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Hiện không gian đô thị đang có xu hướng lan rộng nhanh, thu hẹp quy mô diện tích khu vực hành lang xanh nông thôn. HTKGX rời rạc, thiếu tính kết nối đồng bộ hạ tầng. Do vậy để hoàn thiện cấu trúc HTKGX đồng bộ, bảo đảm tính bền vững cần thay đổi tư duy tiếp cận đối với HTKGX toàn TP (thành phố xanh) nhằm bao quát và toàn diện hơn đối với tư duy tiếp cận HTKGX đô thị (đô thị xanh).
Trong đó, Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí đối với “thành phố xanh”, sớm bổ sung nội hàm về quy hoạch phát triển đối với khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị) trong phạm vi địa giới hành chính TP.
Đối với TP Hà Nội, cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù quản lý phát triển hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh dựa trên các đặc trưng về hệ sinh thái và cảnh quan đô thị và nông thôn.
Trong đó, mục tiêu quản lý bảo đảm tính toàn diện và nhất quán, tái khẳng định giá trị của các không gian xanh: hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh theo Quy hoạch chung 1259. Bảo đảm ổn định cấu trúc HTKGX, tránh suy giảm lớn quy mô diện tích không gian xanh chính là tiền đề cho Hà Nội phát triển đến năm 2065 trở thành TP “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với “đô thị xanh” và “thành phố xanh” làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó cần sớm bổ sung quy định về quản lý hành lang xanh nông thôn trên địa bàn TP.
Xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách đặc thù quản lý phát triển hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh dựa trên các đặc trưng về hệ sinh thái và cảnh quan ngay sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, TP cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ngay đối với Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bao quát toàn bộ phạm vi địa giới hành chính toàn TP.
Quản lý HTKGX là hoạt động quản lý liên ngành có sự phối hợp của nhiều chủ thể có quan hệ mật thiết với nhau, cùng tham gia vào phát triển, giữ gìn và bảo tồn các giá trị HTKGX. Trong đó, cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng, họ vừa là chủ sở hữu (chủ đầu tư) vừa là người sử dụng, vừa là chủ thể, vừa là khách thể quản lý. Họ có vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo, bảo tồn và khai thác sử dụng HTKGX, do đó cần khai thác và phát huy vai trò của cộng đồng trong các chính sách, cơ chế và hoạt động quản lý và phát triển HTKGX tại khu vực đô thị và nông thôn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-khong-gian-xanh-de-thanh-pho-ha-noi-xanh.html