Theo thống kê trên địa bàn huyện Hà Trung có 40 mỏ được cấp phép KTKS đang còn hiệu lực, với diện tích trên 452 ha, trong đó có 19 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 8 mỏ đá spilit và 3 mỏ đá bazan đá khối sản xuất đá ốp lát; 2 mỏ sét và 1 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 2 mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel và 5 mỏ đất làm vật liệu san lấp được cấp phép cho 32 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các xã: Hà Tân, Hà Long, Hà Bình, Hà Đông, Hà Sơn, Hà Vinh, Hà Lĩnh, Hà Tiến, Hà Lai và Yến Sơn.
Công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn huyện Hà Trung trong những năm gần đây được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và từng bước đi vào nề nếp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị được cấp phép KTKS trên địa bàn đã có ý thức tuân thủ và chấp hành các quy định của pháp luật và các quy định của tỉnh, của địa phương, đảm bảo ANTT và an toàn lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình, mở rộng quy mô, công suất, thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên...
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị KTKS chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như: khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác không đúng trình tự, phương pháp, chưa đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường...
Từ đó, UBND huyện Hà Trung đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các xã có mỏ khoáng sản kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác TNKS của các đơn vị, như: việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, việc thực hiện giám sát sản lượng khai thác và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển và công tác an toàn, vệ sinh lao động... đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 1,63 tỷ đồng.
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy có 11 mỏ khai thác đá vôi, 8 mỏ khai thác cát, 7 bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi được UBND tỉnh cho thuê đất. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện còn những hạn chế nhất định, đó là: Vẫn còn doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định; không báo cáo hoạt động khoáng sản; chưa tuân thủ theo phương án khai thác đã lập; chưa áp dụng triệt để các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chậm trễ công tác hoàn thổ làm ảnh hưởng đến quá trình bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý. Tình trạng các hộ gia đình, các đơn vị xây dựng tự hợp đồng và thỏa thuận mua bán với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép (đất san lấp), chưa được kiểm soát gây không ít khó khăn trong công tác quản lý...
Để các đơn vị khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản chấp hành theo quy định, UBND huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với một số sở, ngành liên quan, như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thanh tra... tổ chức kiểm tra, đánh giá và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong các hoạt động khai thác khoáng sản, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự. Không để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, hủy hoại và lãng phí TNKS, gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực có khoáng sản. Ngoài ra, huyện Cẩm Thủy đã triển khai lắp camera giám sát đối với hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn, trong đó đã lắp một số camera tại vị trí các khu vực mỏ, bãi tập kết của một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vân Lộc, Công ty CP Thọ Nam Sơn, HTX Nam Thành,...
Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với 11 trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực TNKS trong đó có 6 trường hợp khai thác đất trái phép tại xã Cẩm Tân (3 vụ), Cẩm Thành, Cẩm Long, Cẩm Phú, tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa: Hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đến nay đã đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản cho các công trình của tỉnh, nhất là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn, miền núi.
Nguồn
Bình luận (0)