Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 77/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã đạt được một số kết quả, song vẫn còn hạn chế.
Cụ thể, số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.
Còn một số cơ sở di tích lịch sử – văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.
Ngoài ra, vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa để có giải pháp tăng cường công tác quản lý tiền công đức.
Các địa phương cũng được yêu cầu rà soát văn bản, quy định liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố được giao chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi khoản công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn: https://www.congluan.vn/quan-ly-chat-che-xu-ly-nghiem-sai-pham-trong-quan-ly-tien-cong-duc-post307117.html