Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản
Trên cơ sở quy định của pháp luật về khoáng sản, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khoáng sản, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khoáng sản…
Theo Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 143 mỏ khoáng sản được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác; cùng với đó còn có 6 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) khác do Bộ TN&MT cấp, tất cả đều còn hiệu lực. Việc cấp giấy phép hoạt động KTKS, gồm: Cấp phép khoáng sản đấu giá – thực hiện theo quy định; cấp phép khoáng sản không đấu giá – chỉ cấp cho các đơn vị thi công hạ tầng theo khối lượng, thời gian phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động khai thác khoáng sản tại Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa (thuộc Công ty CP Phú Tài). Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT), cho biết: Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài Sở TN&MT, công tác quản lý hoạt động KTKS còn được các ngành liên quan như Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Cảnh sát môi trường (CA tỉnh)… quản lý, kiểm tra theo các nội dung liên quan.
Công ty CP Phú Tài (TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh cấp giấy phép KTKS mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn với quy mô khai thác 176,5 nghìn m3/năm, mới đây để phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, DN này được cấp giấy phép bổ sung nâng quy mô khai thác lên 276,5 nghìn m3/năm.
Ông Trương Thanh Lâm, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa (thuộc Công ty CP Phú Tài), cho biết: “Cùng với việc KTKS theo nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động, đơn vị luôn đặt mục tiêu hàng đầu là sản xuất phải đảm bảo bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động. Ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi khai thác đến đâu phải phục hồi môi trường đến đó theo quy định”.
Công ty CP Nội thất và vật liệu xây dựng Kiểu Việt (TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát lòng sông tại xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh với trữ lượng khai thác 55.000 m3/năm. Ông Nguyễn Hồng Huy, Giám đốc Công ty CP Nội thất và vật liệu xây dựng Kiểu Việt, chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi chỉ khai thác trong khung thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 đúng theo giấy phép được cấp. Trước khi mùa mưa đến, công ty tiến hành xử lý kỹ thuật dòng chảy, trả lại hiện trạng cho lòng sông. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật, ký quỹ bảo vệ môi trường, Công ty cũng chú trọng thực hiện các giải pháp giảm bụi, duy tu đường giao thông tại khu vực khai thác, vận chuyển khoáng sản”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về KTKS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, khiếm khuyết cần được khắc phục, đó là một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ mỏ, tài nguyên khoáng sản, xử lý KTKS trái phép chưa kịp thời gây bức xúc trong dư luận; việc chấp hành quy định của pháp luật về KTKS của một số DN chưa tốt, để xảy ra hiện tượng KTKS làm ảnh hưởng xấu đến môi trường…
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KTKS, ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Chỉ thị tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là Kế hoạch 39/KH-UBND ngày 9.3.2023 thực hiện Kế hoạch 50-KH/TU ngày 16.12.2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ ưu tiên cấp phép KTKS cho các DN có năng lực, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn KTKS đi kèm với bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn; triển khai cho các DN gắn camera giám sát tại các điểm mỏ kết nối với dữ liệu của ngành TN&MT để quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu của tỉnh
ĐOÀN NGỌC NHUẬN