Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu hiện là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Khi được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nông sản xuất khẩu đến các thị trường thế giới theo đường chính ngạch.
Những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Khi được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nông sản xuất khẩu đến các thị trường thế giới theo đường chính ngạch. |
Hiện nay, nước ta có 6.439 vùng trồng và 1.618 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. Có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang… tập trung ở các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia…
Các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân chỉ tập trung mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm yêu cầu của đối tác. Ở một số nơi, nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó còn khá mơ hồ.
Thời gian tới các địa phương cần thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Cơ quan chuyên môn địa phương phải lưu trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của hồ sơ. Các đơn vị liên quan cần giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm.
Trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo hướng dẫn, quy định của nước nhập khẩu. Thực hiện thu hồi mã số đã cấp với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng quy định hoặc phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhiều lần, phát hiện gian lận, tranh chấp trong sử dụng mã số.
Chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên; bố trí nguồn lực tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu; chủ động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, thành phố.