(Báo Quảng Ngãi)- Bộ NN&PTNT vừa công bố kết quả xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm sản và thủy sản năm 2022, trong đó Quảng Ngãi lọt vào tốp đầu các địa phương “triển khai tốt” với vị trí thứ 4 toàn quốc. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình xoay quanh nội dung này.
Ông Nguyễn Đức Bình. Ảnh: PV |
PV: Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi thuộc nhóm “còn hạn chế” và xếp vị trí 62/63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý ATTP nông, lâm sản và thủy sản. Xin ông cho biết những nội dung “còn hạn chế” đó là gì?
Ông Nguyễn Đức Bình: Việc đánh giá xếp hạng công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm sản và thủy sản căn cứ vào kết quả thực hiện 5 nhóm tiêu chí lớn, 16 tiêu chí thành phần. Trong đó, nhóm tiêu chí khó nhất là công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Bởi, số lượng cơ sở chế biến nhiều nhưng nhỏ lẻ; sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản đa dạng, phong phú trong khi nhân lực tuyến cơ sở mỏng, kinh phí hạn chế. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo ATTP chưa được quan tâm, dẫn đến hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng đối với vấn đề ATTP kém hiệu quả. Việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm vì thế cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo và “giơ cao đánh khẽ”, chưa có sức răn đe.
PV: Công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm sản và thủy sản đã cải thiện thứ hạng, từ vị trí 62 năm 2018 lên vị trí thứ 5 vào năm 2019 và thứ 4 vào năm 2022. Nhờ đâu có sự chuyển biến này?
Ông Nguyễn Đức Bình: Dưới sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị tiến hành một loạt các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục khó khăn, chấn chỉnh bất cập để đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về quản lý chất lượng ATTP nông, lâm sản và thủy sản; tổ chức 8 lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và ATTP nông, lâm sản và thủy sản cho gần 1.000 người…
Tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 32 “chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn” và 18 sản phẩm được cấp giấy xác nhận chuỗi hoàn chỉnh theo Quyết định 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ NN&PTNT. Qua đó kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hướng đến lợi ích và sức khỏe của đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
PV: Công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát và xử lý vi phạm đã đảm bảo tính “công khai, minh bạch, nghiêm minh” chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Bình: Cùng với công tác duy trì và nâng cao hiệu quả truyền thông, thì kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm là nội dung mà tỉnh Quảng Ngãi thực hiện có hiệu quả nhất trong năm 2022. Việc lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản được tăng cường và tập trung vào 19 loại, nhóm sản phẩm tươi sống. Qua đó, đã phát hiện 3/191 mẫu nông, lâm sản và thủy sản không đạt các tiêu chuẩn ATTP. Ngành chức năng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thông báo, cảnh báo, truy xuất nguyên nhân, nguồn gốc và yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục.
Chi cục cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành, phát hiện 37/130 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm các quy định và xử phạt với số tiền trên 337 triệu đồng. Qua đó góp phần vào việc đảm bảo ATTP chung của ngành trong năm 2022, đó là không có xảy ra sự cố nào về ATTP đối với các loại nông sản, thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
PV: Trong điều kiện nhân lực mỏng, số lượng cơ sở chế biến và mặt hàng nông sản nhiều, Chi cục đã có giải pháp nào nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý?
Ông Nguyễn Đức Bình: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng và ATTP. Qua đó góp phần giảm thiểu tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, đáp ứng yêu cầu ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, uy tín sản phẩm. Chú trọng đầu tư thiết bị, sinh phẩm cũng như trang bị các loại test nhanh để mở rộng quy mô lấy mẫu kiểm tra, giám sát ATTP đối với các công đoạn chế biến có nguy cơ mất ATTP cao tại hiện trường. Qua đó, phát hiện nhanh và chính xác một số loại vi sinh vật, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nông sản xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá những sản phẩm bảo đảm chất lượng và ATTP.
Chi cục cũng sẽ triển khai ứng dụng và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh nguy cơ, sự cố gây mất ATTP nông, lâm sản và thủy sản với các hình thức tiếp nhận trực tiếp và đường dây nóng.
PV: Xin cảm ơn ông!
MỸ HOA (thực hiện)