Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận vụ ngộ độc rượu do methanol, phát hiện hàn the trong giò chả và thực phẩm chức năng không đạt chỉ tiêu an toàn… Mối nguy từ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cấp và mạn tính cho người sử dụng. ATTP vẫn còn những “lỗ hổng” mà các ngành, địa phương, đơn vị đang nỗ lực lấp đầy nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại trung tâm mua sắm trên địa bàn thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà).
Phát hiện nhiều vi phạm về ATTP
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại quầy sản xuất, kinh doanh giò chả bà Thân, xã Tân Hòa (Vũ Thư). Dù cơ sở đã xuất trình đầy đủ giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP của người xuất; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với loại hình, quy mô sản xuất nhưng qua kiểm tra, lấy mẫu test nhanh hàn the trong giò chả do cơ sở sản xuất, chế biến có kết quả dương tính với hàn the (chất cấm sử dụng trong thực phẩm). Đoàn kiểm tra liên ngành quyết định lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt 45 triệu đồng.
Cũng trong tháng hành động vì ATTP năm 2023, từ ngày 25/4 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra tại hơn 10 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó phát hiện, xử phạt 4 cơ sở với các lỗi vi phạm chủ yếu như: chưa thực hiện đúng việc lưu mẫu, kiểm thực 3 bước, vẫn có côn trùng gây hại trong khu vực chế biến; việc vệ sinh khu vực chế biến chưa đạt yêu cầu; ý thức thực hành vệ sinh của nhân viên tham gia chế biến trực tiếp chưa đầy đủ… Không chỉ riêng tháng hành động vì ATTP, vào dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu hàng năm, hoạt động kiểm tra liên ngành cũng được ngành y tế, nông nghiệp, công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp thực hiện. Qua kiểm tra tại 20 cơ sở năm 2022 đã phát hiện, xử lý vi phạm 12 cơ sở, xử phạt 51 triệu đồng.
Nhân viên y tế kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn tập thể.
Chưa dừng lại ở đó, con số các cơ sở vi phạm ATTP vẫn tiếp tục được ghi nhận qua các đợt kiểm tra chuyên ngành, hậu kiểm, giám sát mối nguy của các ngành, địa phương, đơn vị. Riêng ngành y tế, năm 2022 kiểm tra 198 cơ sở đã xử phạt 31 cơ sở với số tiền hơn 209 triệu đồng; ngành nông nghiệp tiến hành 3 cuộc thanh tra, 6 cuộc kiểm tra chuyên ngành về ATTP lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản; kiểm tra 89 cơ sở và lấy 125 mẫu kiểm nghiệm, xử lý 2 cơ sở vi phạm… Đây là những vụ vi phạm về ATTP được các ngành chức năng phát hiện kịp thời. Song có thể còn những vi phạm khác chưa được phát hiện bởi hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP vẫn luôn tìm cách xâm nhập, len lỏi vào thị trường, đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý và các địa phương.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Theo thống kê chưa đầy đủ, ngành công thương hiện quản lý khoảng 6.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chiếm trên 95%. Để bảo đảm ATTP trong lĩnh vực ngành quản lý, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ATTP, ngành đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra về ATTP, phát hiện, tuyên truyền, giáo dục cơ sở không để tái diễn các lỗi vi phạm song trong công tác quản lý ATTP vẫn còn một số khó khăn.
Ông Đặng Thái Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn và môi trường, Sở Công Thương cho biết: Lực lượng có chuyên môn về ATTP của ngành ở tuyến tỉnh còn thiếu. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định của nhà nước về ATTP của các cơ sở chưa đồng đều. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quản lý của ngành chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình chưa ý thức thực hiện tốt các quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng như chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn dùng của nguyên liệu…
Với ngành nông nghiệp, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực của ngành. Thế nhưng, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc xử lý các vi phạm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý nông, lâm sản, thủy sản tỉnh cho biết: Các cơ sở thuộc sự quản lý của ngành chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ. Mức xử phạt hành chính cao hiện nay áp dụng cho tất cả các cơ sở từ lớn đến nhỏ chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong việc xử phạt, chủ yếu chúng tôi thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở. Thêm vào đó, trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra còn thiếu; thời gian phân tích mẫu tại phòng kiểm nghiệm dài trong khi đó các sản phẩm nông nghiệp có tính thời vụ, một số sản phẩm yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt. Một số chỉ tiêu chưa có quy định để đối chiếu dư lượng cho phép.
Cũng giống như các ngành, việc quản lý ATTP tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn. Thành phố Thái Bình là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, hơn 30 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ; gần 1.840 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm… Xác định công tác bảo đảm ATTP có vai trò quan trọng, tác động thường xuyên đến sức khỏe mỗi người, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tăng cường kiểm tra về ATTP. Tuy nhiên, việc triển khai công tác bảo đảm ATTP còn một số khó khăn do lực lượng mỏng trong khi số cơ sở quản lý đông…
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Nhiệm vụ bảo đảm ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, trong khi đó nhân lực làm công tác này ở các ngành, địa phương còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm khó đáp ứng yêu cầu đề ra. Ở một số nơi có lúc còn chủ quan, chưa thực sự sát sao đối với công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đổi mới công nghệ sản xuất, còn mang nặng tính truyền thống. Do đó, việc kiểm soát chất lượng chưa cao, ý thức thực hành vệ sinh trong sản xuất có chuyển biến nhưng còn chậm. Bên cạnh đó, thủ đoạn vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra tinh vi, phức tạp; nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa ý thức được việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Thời gian tới, cùng với việc đưa ra các giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ sản xuất, người trực tiếp chế biến, người tiêu dùng và tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra, lấy mẫu cho lực lượng y tế các huyện, thành phố.
Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Vân Tiến (Vũ Thư) chuẩn bị suất ăn cho công nhân, người lao động.
Nói không với thực phẩm bẩn
Dù những năm gần đây Thái Bình không ghi nhận vụ ngộ độc đông người xảy ra (trên 30 người/vụ) song vẫn còn những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn đông người, ngộ độc rượu… Mối nguy về ATTP vẫn nhiều tiềm ẩn. Hiện nay, các ngành, địa phương, đơn vị vẫn đang tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về ATTP. Tuy nhiên, để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó có chủ cơ sở sản xuất, người trực tiếp chế biến và mỗi người dân.
Ông Trần Duy Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Vân Tiến cho biết: Là đơn vị chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm ATTP chúng tôi xác định phải tuân thủ các quy trình chế biến theo quy định một chiều, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đầu vào, chế biến thực phẩm đến đầu ra thực phẩm chín; đồng thời tìm hiểu, lựa chọn các cơ sở cung cấp thực phẩm đủ điều kiện bảo đảm ATTP; cơ sở sản xuất số lượng nhiều, có uy tín chứ không lựa chọn thực phẩm ngoài chợ chưa được kiểm nghiệm, bảo đảm về chất lượng.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: Hiện nay, có rất nhiều mối nguy về ATTP như: tác nhân hóa học (thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong danh mục cấm…), sinh học (vi sinh vật) và vật lý, trong đó tác nhân hóa học và sinh học có thể gây ngộ độc cấp tính, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời. Việc bảo đảm ATTP cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Không chỉ riêng ngành y tế, nông nghiệp, công thương mà cần sự vào cuộc hơn nữa từ mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân. Người dân cần nói không, tẩy chay với thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không bảo đảm ATTP; đồng thời sẵn sàng tố giác những hành vi vi phạm về ATTP với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, có như thế mới giải quyết được nỗi lo về ATTP.
Hoàng Lanh