Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Phòng Y tế Q.10 cho biết năm 2023 tổng số tiền xử phạt trong lĩnh vực y tế trên địa bàn quận là khoảng 1,7 tỉ đồng, nhiều cơ sở phải đóng cửa. Chính vì làm mạnh mẽ nên số lượng phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” của Sở Y tế TP.HCM trong các tháng đầu năm 2024 giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2023.
“Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo trái phép là khó kiểm soát. Ví dụ một cơ sở đăng ký hoạt động chăm sóc da, không xâm lấn tại Sở KH-ĐT hoặc UBND quận cấp giấy phép hộ cá thể. Nhưng nhiều khi khách hàng đến họ lại quảng cáo và làm thêm các kỹ thuật liên quan KCB mà mình khó phát hiện. Hoặc có tình trạng cơ sở vi phạm, quận mời xử lý nhiều lần nhưng họ không đến và chuyển địa điểm hoạt động qua quận khác”, đại diện Phòng Y tế Q.10 nói.
Để giải quyết vấn đề quảng cáo và phòng khám “chui”, vị này cho rằng cần có sự phối hợp các sở, ngành. Ví dụ Sở KH-ĐT cấp giấy phép kinh doanh với mã ngành chăm sóc da thì chỉ được quảng cáo chăm sóc da. Điều này cũng cần các nhà mạng vào cuộc, chỉ cho quảng cáo khi có giấy phép quảng cáo, như vậy mới quản lý chặt chẽ từ gốc.
Ở góc độ địa phương, ngoài kiểm tra định kỳ thì Q.10 còn kiểm tra đột xuất về quảng cáo và KCB. Cụ thể là Q.10 sẽ làm riêng phần mềm “Y tế trực tuyến”, phần mềm quản lý các cơ sở KCB đã được cấp phép. Đặc biệt, Q.10 tổ chức chiến dịch, đợt cao điểm kiểm tra cơ sở chăm sóc da nhằm phát hiện hoạt động không phép, đẩy lùi nạn KCB không phép trên địa bàn. Q.10 còn xây dựng tổ liên gia để giám sát hoạt động KCB không phép. Ví dụ một cơ sở hoạt động không phép bị phạt hành chính, đình chỉ hoạt động thì quận sẽ mời 2 hộ 2 bên cơ sở vi phạm giúp cơ quan quản lý giám sát với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Tương tự, đại diện Phòng Y tế Q.Tân Bình cho biết hiện nay quận đang làm rất mạnh để quản lý quảng cáo và KCB trái phép nên việc đảm bảo chất lượng KCB được tốt lên. “Cơ sở không phép là vấn đề nhức đầu, nhất là cơ sở hoạt động tại chung cư, nhà cao tầng rất khó phát hiện và chỉ phát hiện khi có tai biến, biến chứng rồi bị thưa kiện… Khi phát hiện cơ sở trái phép, chúng tôi phối hợp an ninh của công an quận xử lý triệt để. Sau đó, công an quận chỉ đạo công an phường giám sát cơ sở”, đại diện Phòng Y tế Q.Tân Bình nói. Cũng theo vị này, việc giám sát các cơ sở quảng cáo và hoạt động trái phép khá khó khăn vì kiểm tra thường sẽ không phát hiện, nhưng ngoài giờ như trưa, tối, thứ bảy, chủ nhật thì cơ sở lại hoạt động. Do đó, Phòng Y tế, UBND phường, công an phải phối hợp cùng giám sát liên tục.
Trước mắt, Q.Tân Bình đang dự kiến xây dựng mô hình phối hợp hội phụ nữ quận, phường tuyên truyền, vận động bằng hình ảnh biến chứng do KCB trái phép gây ra và cung cấp những cơ sở được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép trên địa bàn. Ngoài ra, UBND phường được khuyến cáo cần cảnh giác các căn hộ cho thuê, nếu biết làm spa, thẩm mỹ, tiêm chích thì cảnh báo chủ nhà để họ quan tâm, phối hợp quản lý.
Địa bàn TP.Thủ Đức từng có nhiều phòng khám “chui”, cơ sở quảng cáo trái phép. Điển hình là cơ sở Mr.Lee phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, các cơ quan chức năng kiểm tra nhiều lần và phải nhờ công an vào cuộc thì mới xóa được cơ sở này.
“TP.Thủ Đức vận động các cơ sở tuân thủ hành nghề nhưng vẫn không “xi nhê” nên phải nhờ công an làm mới được. Nếu phát hiện quảng cáo trái phép, chúng tôi yêu cầu cơ sở rút, nếu cơ sở không làm thì công an sẽ giúp sức, vì không có công an thì phòng y tế không làm được”, đại diện Phòng Y tế TP.Thủ Đức nói và cho biết thêm UBND TP.Thủ Đức đã yêu cầu các phòng chuyên môn, các phường chấn chỉnh cơ sở quảng cáo không phép, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Chính vì chấn chỉnh tốt nên thời gian qua số hồ sơ xin phép quảng cáo về y tế tăng lên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dep-loan-kham-chua-benh-tra-hinh-quan-huyen-da-vao-cuoc-manh-me-185240609212331069.htm